Xã hội
TPHCM: Nhiều kết quả đạt được về hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ
09:00 AM 01/11/2019
(LĐXH) - Trong những năm qua công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả tích cực. Thành phố luôn thể hiện nằm trong nhóm các địa phương đi đầu trong cả nước về triển khai hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới chi sẻ tại Hội nghị tập huấn về công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ 

Thành phố đã có 20/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra (đạt 77%), trong khi  kết quả Sơ kết Chiến lược chung cả nước là 9/22 chỉ tiêu đã đạt kế hoạch đề ra. Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố có sự thay đổi về nhận thức, đội ngũ chuyên trách về bình đẳng giới (BĐG) nên  tiếp tục có những định hướng, điều chỉnh  trong thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược, Chương trình quốc gia về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, những kết quả nổi bật của thành phố trong công tác BĐG và vì sự tiến bộ thể hiện một số mục tiêu và các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch gồm: giáo dục, y tế, việc làm, trong đó có những chỉ tiêu tiến bộ liên quan đến lĩnh vực chính trị. Cụ thể, đối với chỉ tiêu 1 thành phố có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 đạt và vượt so với quy định tại Chỉ thị số 36-CT/TW. Nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 ở cấp thành phố đạt 22,1%; cấp xã, thị trấn là 28,9%; kết nạp 19.858 nữ đảng viên, chiếm 44,81%, vượt 4,81% so với chỉ tiêu.

Về chỉ tiêu 2 hiện thành phố có 331 đơn vị có nữ lãnh đạo chủ chốt, đạt 84,65%. Sở, ban, ngành thành phố có 330 nữ cán bộ giữ chức danh Trưởng, phó phòng, ban và tương đương, chiếm 30,39%.

Trong hoạt động thực hiện mục tiêu 2, thành phố có 52.836 doanh nghiệp do nữ làm đại diện; từ năm 2011-2016, thành phố thu hút hơn 1,44 triệu lượt lao động, tạo chỗ làm mới 619.169 lượt người, trong đó nữ chiếm 50,2%. Nhìn chung, hoạt động đào ạo nghề, chuyên môn kỹ thuật cho lao động, trong đó có lao động nữ đạt kết quả khả quan đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo do nữ làm chủ độ vay vốn đạt 95,39%.

Trong các lĩnh vực về giáo dục, y tế, thông tin, thành phố cũng đạt được kết quả ấn tượng. Hiện tỷ lệ biết chữ từ 15 đến 40 tuổi của 5  huyện ngoại thành đạt 99,82%; có 2.454 nữ/4.896 người đạt trình độ thạc sỹ, 69 nữ/233 người đạt trình độ tiến sỹ. Hằng năm, thành phố dành khoảng 2000 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất trường học; ngành y tế thành phố đầu tư 9,72 tỷ đồng nâng cao hoạt động chuyên môn chăm sóc sức khỏe người dân, bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh….

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh: Việc thực hiện Chiến lược, Chương trình quốc gia về BĐG của thành phố được thực hiện đồng bộ, trong đó điểm mạnh của công tác tuyên truyền là luôn được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ghi nhận kết quả thực hiện các dự án về nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG cho thấy, 5 năm qua, Sở tổ chức 5.428 lớp bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về BĐG; in 57.450 tờ rơi, tờ bướm, tài liệu sinh hoạt chuyên đề… Ngoài ra, các sở, ban, ngành liên quan cũng phối hợp thực hiện, triển khai dẫn đến có nhiều tiến bộ, biến chuyển về nhận thức về BĐG được truyền tải rộng, có hiệu quả đến cộng đồng và xã hội.

Bên cạnh đó, bộ máy chuyên trách công tác BĐG, vì sự tiến bộ phụ nữ từ thành phố đến các quận, huyện, phường – xã – thị trấn cũng đạt so với yêu cầu nên tạo hiệu ứng tích cực của hoạt động truyền thông.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích về thực hiện công tác BĐG, song Thành phố vẫn gặp một số thách thức, khó khăn khi tiếp tục triển khai các nội dung của Chiến lược, Chương trình quốc gia về BĐG trong giai đoạn 2016-2020. Đó là: một số chỉ tiêu thống kê theo Bộ chỉ số giữa các ngành, cấp từ Trung ương còn thiếu về thông tin, dữ liệu. Do đó, khi triển khai thực tế và định hướng xây dựng thực hiện cho thời gian tới sẽ gặp khó khăn nhất định.

Công tác BĐG thực hiện ở 8 lĩnh vực nhưng hiện các nghiên cứu giới chưa được sử dụng nhiều vào lập chính sách; định kiến giới còn phân biệt nam – nữ và phân hóa kinh tế - xã hội ở thành phố, nông thôn trong khi thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, đông dân nhập cư cũng là những vấn đề thách thức cho việc thực hiện.

Trước những vấn đề đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 cho công tác BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thành phố Hồ Chí Minh đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện Chiến lược, Chương trình quôc gia về BĐG với nhiều nội dung mới có điều chỉnh phù hợp, linh hoạt trong tình hình thực tế của thành phố. Phương hướng đề ra là thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược, Chương trình tại thành phố giai đoạn 2011-2020, trong đó ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về BĐG giai đoạn 2016-2020 tập trung ở giải pháp xây dựng dự án, mô hình về truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi về BĐG hướng đến cơ quan, lĩnh vực truyền thông.

Song song đó, xây dựng năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu dân cử các cấp, thí điểm mô hình thúc đẩy BĐG; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG…

Về một số chỉ tiêu, mục tiêu điều chỉnh trong thực hiện Chiến lược của giai đoạn 2016-2020, thành phố tập trung các nội dung gồm: đối với các chỉ tiêu thành phố xây dựng thì ở mục tiêu 1 điều chỉnh chỉ tiêu 4 theo hướng cần thiết tăng tỷ lệ cán bộ công chức nữ được đào tạo nâng cao trình độ giai đoạn 2016-2020 và đề xuất “đến năm 2020, phấn đấu đạt tỷ lệ 50% cán bộ, công chức nữ trên tổng số cán bộ công chức được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước”.

Đối với mục tiêu 2 có chỉ tiêu 2 đề xuất không đưa vào thực hiện cho Chiến lược giai đoạn 2016-2020 là do là trong văn kiện của Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng bộ thành phố và chỉ đạo chuyên môn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không có chỉ tiêu trên, do đó khó khăn trong quá trình thu thập thông tin, dữ liệu. Cũng bởi khó khăn xác định về thống kê, thành phố đề xuất không đưa vào thực hiện chỉ tiêu 3 (mục tiêu 2).

So với các địa phương khác, thành phố Hồ Chí có những chỉ tiêu, mục tiêu thực hiện Chiến lược giai đoạn trước luôn đạt, vượt và nằm trong “top” các địa phương dẫn đầu nên ở mục tiêu 3, có chỉ tiêu 3 không xây dựng. Vì hệ thống giáo dục từ thành phố đến địa phương đã ổn định, phát triển về lượng và chất nên cần thay thế theo hướng “đến năm 2020, phấn đấu đạt tỷ lệ 70% cán bộ, giáo viên các cấp học được đào tạo, tập huấn nâng cao  năng lực về giới và lồng ghép giới”; “đến năm 2020, phấn đấu đạt tỷ lệ 50% học sinh, sinh viên các cấp được truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG”.

Tương tự trong lĩnh vực y tế ở mục tiêu 4, chỉ tiêu 5 thành phố thay thế là “đến năm 2020, phấn đấu đạt tỷ lệ 50% nam giới là học sinh từ trung học cơ sở trở lên và sinh viên được tiếp cận thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản”.

Đối với các chỉ tiêu của Trung ương, thành phố cũng có đề xuất ở một số nội dung cụ thể như: ở mục tiêu 2 với chỉ tiêu 2 điều chỉnh là “phấn đấu đến năm 2020, trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo trình độ thạc sỹ và tương đương đạt 50%, tiến sỹ và tương đương đạt 25%”; ở mục tiêu 7 với chỉ tiêu 2 điều chỉnh “đến năm 2020, có 100% cán bộ, công chức trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới”.

 Vương Linh