Giáo dục - Nghề nghiệp
TPHCM: Điểm sáng trong công tác giáo dục nghề nghiệp
11:42 AM 10/07/2020
(LĐXH) - Xác định công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), để hoàn thành tốt công tác này thời gian qua Sở LĐ –TB&XH TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả, đạt được kết quả tích cực góp phần đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.
Đồng chí Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ - TBXH TPHCM trao Cờ xuất sắc của UBND TPHCM cho các đơn vị đạt thành tích trong côn tác GDNN TP năm 2019

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 567 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 52 trường Cao đẳng, 65 trường Trung cấp, 86 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 364 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp ( 235 cơ sở đang hoạt động, 128 ngừng hoạt động). Mỗi năm các cơ sở GDNN của TP tuyển sinh đào tạo đạt được khoảng 509.550 học viên. Trong đó, trình độ cao đẳng đạt 34.738 sinh viên, trung cấp 22.042 học viên và đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng cho 452.770 học viên. Các cơ sở GDNN đang đào tạo 18 ngành, nghề bao gồm các nhóm nghề: 4 nghề công nghiệp trọng yếu (Cơ khí – Điện tử, Công nghệ thông tin, Hóa chất – Cao su, Chế biến tinh lương thực, thực phẩm), 9 nghề dịch vụ chủ yếu (Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm, Thương mại, Vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng, Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông, Kinh doanh tài sản – bất động sản, Thông tin – Tư vấn – Khoa học – công nghệ, Du lịch, Y tế, Giáo dục – đào tạo), Nhóm ngành tự do dịch chuyển lao động khối ASEAN (Kiến trúc, Điều dưỡng, Dịch vụ khảo sát, Nha khoa, Kế toán)…

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học thực hành nghề Điện - Điện lạnh

Trong thời gian qua, công tác GDNN của thành phố luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND và UBND TP cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban ngành, địa phương và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điểm nổi bật trong năm 2019, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đã tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân TP ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các kế hoạch, chương trình đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - Xã hội của thành phố. Đặc biệt là tiếp tục thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 đã giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Thành phố có cơ hội tiếp cận các môi trường giáo dục nghề nghiệp tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Các trường được lựa chọn xây dựng trường chất lượng cao và trường có nghề trọng điểm được ưu tiên đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm và tiệm cận với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và thực tế sản xuất.

Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp đến học sinh các trường trung học cơ sở - trung học phổ thông và đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh, Sở  đã phối hợp với Thành đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Ngày Hội tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp năm 2019 tại Nhà văn hóa Thanh niên. Lồng ghép trong chương trình của ngày Hội là buổi tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp công tác tuyển sinh trên địa bàn Thành phố”  nhằm thảo luận, đề xuất các mô hình tuyển sinh hiệu quả, các giải pháp để đẩy mạnh công tác tuyển sinh ở các trường Cao đẳng, Trung cấp trong giai đoạn hiện nay. Phối hợp với Đài tiếng nói nhân dân Thành phố (VOH) phát sóng định kỳ các phóng sự về định hướng nghề nghiệp; giới thiệu ngành nghề, công tác tổ chức đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố, tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào các khung giờ thuận lợi để người dân có thể theo dõi.

Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Công tác tuyển sinh các hệ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong năm 2019 về tổng thể đã vượt chỉ tiêu đề ra ( đạt 110,53%), trong đó có 70.010 sinh viện học sinh nữ và 2.830 học inh sinh viên là người dân tộc thiểu số. Trong năm 2019, ở 09 nhóm ngành dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng số người học tuyển mới ( chiếm 75,87%), còn lại lần lượt là 04 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 17,62% và 08 nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối Asean là 6,52%.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, các cơ sở GDNN đã đào tạo và cung cấp cho thị trường 247.366 người học sau tốt nghiệp ở các trình độ, trong đó có 50.699 là sinh viên học sinh nữ và 1.198 là người dân tộc thiểu số. Tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp ở các nhóm ngành, nghề trọng yếu của TP trong năm 2019 lần lượt là: 13,56% ở 04 ngành công nghiệp trọng yếu; 50,31% ở 09 ngành dịch vụ và 36,13% ở 08 nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN. Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo thực hiện trong năm 2019 là 3.906.818/4.607.312 ( 84,8%). Và tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố đạt 84,56%, tương đương 3.303.645 lao động làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch trọng điểm/3.906.818 lao động làm việc đã qua đào tạo.

Sinh viên trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học thực hành nghề Điện - điện tử

Chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ Cao đẳng, Trung cấp của Thành phố đã được các Doanh nghiệp chấp nhận, một số nghề thuộc lĩnh vực y tế như: Điều dưỡng, Dược sỹ, Y sỹ trình độ Trung cấp được các cơ sở y tế công lập quan tâm tuyển dụng. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 03 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và Doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của Thành phố. Tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp của người học trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: Khối trường Cao đẳng: bình quân có khoảng 81,76% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Đặc biệt, một số đơn vị có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% như: Cao đẳng nghề TPHCM, CĐ KT Cao Thắng, CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM. Ở khối trường Trung cấp bình quân có khoảng 79,96% học sinh sau tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Đặc biệt, một số đơn vị có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% như: TCN Bình Thạnh, TC Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, TC Kỹ thuật – Kinh tế Sài Gòn 3, TC Bách Nghệ TP.HCM, TCN Kỹ thuật CN Hùng Vương…

Bên cạnh đó, trong năm 2019, TP đề ra với mục tiêu đào tạo nghề cho ít nhất 10.500 lao động nông thôn, trong đó ở những nghề phi nông nghiệp tập trung đào tạo những nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và đào tạo những nghề nông nghiệp ở những nghề kỹ thuật cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người học sau đào tạo, góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, TP đã đào tạo được 11.333/ chỉ tiêu 10.500 lao động nông thôn (đạt 107,9% chỉ tiêu đề ra), trong đó có 4.148 người học nghề nông nghiệp, 7.185 người học nghề phi nông nghiệp và có 5.410 là lao động nữ trong tổng số người được đào tạo – chiếm tỷ lệ 47,74%.

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ nhà giáo làm nền tảng

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học lý thuyết nghề Công nghệ thông tin


Song song đó, về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, trong thời gian qua, TP tập trung đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ GDNN đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tính đến 31/12/2019, tổng số nhà giáo (cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên) của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 12.786 người. Trong đó, 100% cán bộ quản lý, nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sự phạm, 68,8% cán bộ quản lý, nhà giáo đạt được các chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ, trong đó có 1.807 người đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (chiếm 20,54% trong tổng số người đạt chứng chỉ ngoại ngữ); 72,78% cán bộ quản lý, nhà giáo đạt được các chứng chỉ về trình độ công nghệ thông tin, trong đó có 1.433 người đạt chứng chỉ công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế (chiếm 15,4% trong tổng số người đạt chứng chỉ trình độ công nghệ thông tin). Tổng số nhà giáo được đánh giá, xếp hạng theo quy định về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong năm 2019 là 10.271 người.

Cùng với đó, TP còn tập trung thực hiện việc đầu tư, xây dựng trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm, trong năm 2019, 08 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Thành phố đã tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai đầu tư công theo các dự án đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là 1.187.946 triệu đồng. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm – An toàn lao động, trường Cao đẳng nghề TPHCM đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo 3 nghề: Công nghệ thông tin - ứng dụng phần mềm, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, trình độ cao đẳng cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Úc,  Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức và trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các chương trình được chuyển giao từ Đức theo Dự án của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác cũng tiến hành đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại để thu hút hiệu quả người học vào học giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo và rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất trên thị trường lao động của Thành phố.

Bện cạnh đó, trong năm 2019, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn Thành phố đã tổ chức thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Tính đến cuối năm 2019 đã có 67/117 trường cao đẳng, trung cấp đã thực hiện việc tự đánh giá chất lượng, đạt tỉ lệ 57,26%.  Công tác tự đánh giá theo quy định, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động thực hiện việc kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, trong năm 2019, đã có 02 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được các tổ chức kiểm định uy tín quốc tế đánh giá và công nhận đạt chuẩn, việc này đã góp phần khẳng định vị trí giáo dục nghề nghiệp của thành phố trong cả nước nói riêng và quốc tế nói chung.

Cùng với đó, TP còn Tổ chức thành công  các Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp Thành phố, Hội thi tay nghề cấp Thành phố, tham gia Hội thi tay nghề Quốc gia và đạt được nhiều giải thưởng cao qua các hội thi. Đồng thời, Tổ chức Lễ tuyên dương 102 Lao động giỏi tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đạt nhiều thành tích xuất sắc tại các đơn vị đang công tác.

Sinh viên trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học thực hành nghề Cơ khí chế tạo

Mặc dù công tác giáo dục nghề nghiệp Thành phố những năm gần đây có nhiều tiến bộ, tuy nhiên tâm lý coi trọng bằng cấp và chưa thấy tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học tại nhiều quận – huyện của TP chưa như mong muốn. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động liên kết với đơn vị sử dụng lao động để cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp. Công tác quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bất hợp lý trên địa bàn, đầu tư phát triển cơ sở vật chất còn chậm, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo của các đơn vị. Công tác tuyển sinh hàng năm nói chung và năm 2019 nói riêng thì đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tuy vậy, ở trình độ cao đẳng, trung cấp vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra do các đơn vị chưa khảo sát nhu cầu học nghề của xã hội.

Vì vậy, để công tác GDNN đạt mục tiêu đề ra, trong năm 2020, TPHCM  tiếp tục tập trung đẩy mạnh các giải trọng tâm và phấn đấu thực hiện công tác tuyển mới, đào tạo ở  các cấp trình độ đạt  461.000 người học; tổ chức đào tạo cho 6.415 lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố và tổ chức đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực sau tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp, tham gia thị trường sức lao động của Thành phố góp phấn đưa tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo của Thành phố đến cuối năm 2020 đạt 86%./.

 Hoàng Cảnh