Lao động
TPHCM cần 45.000 lao động lành nghề sau Tết Nguyên đán 2022
02:39 PM 14/01/2022
Sau Tết Nguyên đán 2022, thành phố dự kiến cần khoảng 45.000 lao động lành nghề. Ở một khảo sát dự báo nhu cầu nhân lực, trong năm 2022, thành phố cần tới 300.000 lao động. TPHCM đang chuẩn bị nhiều kịch bản chăm lo cho người lao động và chuẩn bị nguồn nhân lực cho năm 2022, nhất là thời điểm sau Tết.

Băn khoăn ở hay về

Cận Tết, tại các khu nhà trọ ở TPHCM, nhiều công nhân, người lao động đã rục rịch chuẩn bị đồ đạc về quê đón Tết. Thế nhưng, cũng không ít người vẫn băn khoăn giữa ở và về.

“Nếu về thì có lẽ tôi về hẳn, không vào lại nữa. Đợt dịch bệnh vừa qua khiến tôi bất an về cuộc sống. Giờ ba mẹ đi làm thì con cái ở nhà tự học online, không có người chăm lo. Có lẽ về quê là giải pháp tốt hiện nay” - chị Nguyễn Thị Loan - một công nhân đang làm việc tại Khu Chế xuất Tân Thuận (quận 7) kể.

Chị Loan vào TPHCM từ năm 18 tuổi để làm công nhân, đến nay đã được 16 năm. “Sống lâu, làm việc quen nên tôi cũng ngại thay đổi môi trường. Nhưng đợt dịch qua khiến tôi cảm thấy bấp bênh. Gia đình thì khuyên về quê làm ăn vì giờ ở quê cũng mở nhiều công ty lắm. Chị gái tôi về quê, có tay nghề, được lên làm quản lý nên thu nhập rất tốt” - chị Loan chia sẻ.

TPHCM có nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ Tết cho người lao động

Chung băn khoăn, anh Minh Luân (phường Tân Kiểng, quận 7) bày tỏ: “Tết này tôi không về do năm qua ảnh hưởng dịch bệnh, cuộc sống khó khăn. Giờ về phải mất mấy chục triệu đồng, lại còn cách ly nữa. Đi làm công nhân từ thời trẻ nhưng đến già rồi vẫn ở nhà trọ, vẫn lo cơm từng ngày thì mệt mỏi thực sự. Đôi khi tôi cũng nghĩ sẽ về quê sinh sống, ít nhất chi phí sinh hoạt, chăm lo cho vợ con ít hơn”.

Tâm sự của chị Loan, anh Luân cũng là trăn trở của không ít người lao động hiện nay. Chính vì thế, để giữ chân người lao động ở lại TPHCM đòi hỏi một chính sách chăm lo tốt cho người lao động.

Tập trung chăm lo Tết Nguyên đán

Về chăm lo người lao động ở lại TPHCM, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM - cho hay, UBND TPHCM đã có kế hoạch 58 gửi các đơn vị hướng dẫn tổ chức kinh phí chăm lo Tết Nhâm Dần cho 23 đối tượng, với tổng kinh phí hơn 901 tỉ đồng. Trong đó, có nhiều chính sách chăm lo cho người lao động ở lại TP đón Tết sum vầy phù hợp tình hình dịch bệnh. Đồng thời, TPHCM đề nghị các chủ doanh nghiệp xem xét chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động; xem xét doanh nghiệp khó khăn để hỗ trợ; tặng 15.000 phần quà cho công nhân tại các khu chế xuất; triển khai tấm vé nghĩa tình (vé xe, sân bay) để người dân về quê...

Ngoài ra, TPHCM cũng đang chuẩn bị nhiều phương án để điều phối nguồn nhân lực sau Tết. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, sau Tết, thành phố dự kiến cần khoảng 45.000 lao động lành nghề tập trung các ngành kinh doanh thương mại, da giày, cơ khí… Để cung ứng đủ nguồn lực cho doanh nghiệp trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn kết nối, giới thiệu lực lượng lao động địa phương, lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở lại TPHCM làm việc với doanh nghiệp ngay sau Tết.

2 kịch bản lao động thị trường nhân lực

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) mới đây, năm 2022, thị trường lao động Thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến toàn thành phố có gần 5 triệu lao động làm việc; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%, công nghiệp - xây dựng chiếm 37,15%, thương mại - dịch vụ chiếm 61,89%.

Trong đó, lao động làm việc trong các doanh nghiệp là hơn 3,1 triệu người, gồm lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước chiếm 3,01%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 74,50%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 22,49%.

Theo dự báo, trong năm 2022, thị trường lao động thành phố có 2 kịch bản tùy vào diễn biến của dịch. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp cần tuyển 280.000-310.000 lao động. Trong đó nhu cầu nhân lực của quý I gần 87.000 người, con số này ở quý II trên 72.000; quý III gần 74.000 và quý IV khoảng 77.000.

Trường hợp dịch vẫn phức tạp, nhu cầu nhân lực của thành phố khoảng 255.000 - 280.000 người. Trong đó, cao nhất là 3 tháng đầu năm với trên 78.000 lao động.

Khu vực thương mại, dịch vụ là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh trong năm 2022 chiếm đến gần 66% bao gồm thương nghiệp, vận tải kho bãi, lưu trú, ăn uống, thông tin truyền thông, kinh doanh bất động sản...

Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành công nghiệp, xây dựng chiếm trên 33% gồm các ngành cơ khí, sản xuất hàng điện tử, chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống, hóa dược.

Các doanh nghiệp chủ yếu tìm nguồn lao động có trình độ dưới đại học, chiếm trên 86% nhu cầu tuyển dụng.

Về khả năng đáp ứng của thị trường, phía Falmi cho rằng bình quân mỗi năm thành phố có khoảng 500.000 sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường gồm các bậc đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Do đó, với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong năm 2022, dự kiến lực lượng lao động của thành phố cơ bản đáp ứng đủ.

Theo tính toán của đơn vị này, năm nay lực lượng lao động của thành phố sẽ đạt mức gần 5 triệu người. Trong đó, hơn 3 triệu người làm việc trong các doanh nghiệp, nhà máy.

Năm ngoái, khảo sát của Falmi, gần 65.000 DN ở TPHCM có nhu cầu tuyển dụng hơn 174.000 LĐ tuy nhiên số người có nhu cầu tìm việc chỉ trên 135.000 người.

PV