Kinh tế
TPHCM: 5 nhóm giải pháp thực hiện Đề án chống ngập và xử lý nước thải trong thời gian tới
04:25 PM 25/03/2022
(LĐXH) – Ngày 24/3/2022, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP những ngày qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

5 nhóm giải pháp thực hiện Đề án chống ngập và xử lý nước thải trong thời gian tới tại TPHCM

Thông tin về Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM, ông Trần Như Quốc Bảo - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho biết, TPHCM là 1 trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cao nhất thế giới. Theo dự báo, khi biến đổi khí hậu xảy ra trên diện tích bị ngập của TP đến cuối thế kỷ XXI lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473km2 tương ứng với mực nước biển dâng là 65cm, 75cm và 100cm; khả năng để kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất thế giới cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất.

Ngày 25/1/2021, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 299/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nuức thải giai đoạn 2020 – 2030. Đề án này được xây dựng dựa trên các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt với thời gian quy hoạch đến năm 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, về định hướng về quy hoạch chống ngập và xử lý nuớc thải TPHCM giai đoạn 2020 – 2045, TP đặt chỉ tiêu 80% đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước; 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom, xử lý đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường trong giai đoạn năm 2020 – 2025. Đồng thời, nghiên cứu, cập nhật và hoạch định cốt nền cho từng khu vực, từng quận huyện… đảm bảo phù hợp quy hoạch xây dựng chung, phù hợp quy hoạch thoát nước. Lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa bao gồm xác định hệ thống thoát nước chính như kênh rạch, hệ thống cống cấp 1, 2… đảm bảo yêu cầu thoát nước khi mưa cũng như ứng phó với các kịch bản của biến đối khí hậu, mực nước biển dâng.

Mặt khác, thực hiện các dự án, hoàn thiện quy hoạch hệ thống thoát nước trong khu vực 581,52km2; đồng thời xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực ngoại vi mở rộng quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, TP Thủ Đức, quận 7, quận 9.

Ông Trần Như Quốc Bảo - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho biết:  Giai đoạn từ 2026 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có 90% dân số đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước; 95% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.

Đối với kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030, trong giai đoạn 2020 – 2025, TP đặt chỉ tiêu giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550 km2; Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm thành phố rộng 106,41 km2; cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP.

Từ năm 2026 – 2030, Thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi, tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính; chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch đường sông, xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực đông dân cư còn lại.

 Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Đề án, UBND TPHCM cũng đề ra 05 nhóm giải pháp bao gồm: Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch, triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập; Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân. 

Huyền Mai - Linh Nhi