Lao động
TP Sóc Trăng: Nhiều triển vọng trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
02:10 PM 02/04/2018
(LĐXH) - Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc cho con em theo học nghề, hoạt động của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Sóc Trăng đã có phần khởi sắc. Qua đó, góp phần thu hút đông đảo người lao động trên địa bàn học nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cũng như góp phần nâng cao dân trí.
Bà Lê Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên TP. Sóc Trăng  cho biết: “Có thể nói, công tác phân luồng học sinh sau THCS được coi là giải pháp căn cơ để giúp mỗi học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng cách đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội mà không nhất thiết phải theo đuổi con đường đại học. Tuy nhiên, nhiều gia đình và học sinh không thấy được sức học của bản thân học sinh và điều kiện kinh tế gia đình để sớm tìm con đường học nghề, vì vậy có lúc công tác này đã gặp khó khăn”.
Hầu hết các học viên đều có việc làm sau khi ra trường
Trong năm 2017, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên TP. Sóc Trăng đã tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, người nghèo, người dân tộc thiểu số nghèo, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật với các ngành nghề, như: may công nghiệp, làm bánh, kỹ thuật xây dựng cơ bản, cắt - uốn tóc, kỹ thuật trồng rau màu, nuôi thủy sản, chăn nuôi bò, đan ghế… được 24 lớp ngắn hạn cho 352 học viên, tăng 4 lớp so cùng kỳ. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, UBND 10 phường tư vấn, hướng nghiệp học nghề cho lao động trên địa bàn TP. Sóc Trăng. Đồng thời, liên kết tốt giữa trung tâm và các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Sau khi đào tạo ra trường, hầu hết học viên có việc làm, trong đó 100% học viên học ở các lớp dạy nghề nông nghiệp đều có việc làm ổn định. Bạn Thái Phương Giao ở Phường 7 (TP. Sóc Trăng) tâm sự: “Em học lớp may công nghiệp tại trung tâm được hơn 3 tuần, lớp này học khoảng 1,5 tháng thì tốt nghiệp. Lúc trước, em ở nhà làm nội trợ, bây giờ đi học giúp cho em có được nghề cơ bản, được trung tâm giới thiệu việc làm sau khi học xong nghề, có thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình”.
Học viên lớp may công nghiệp tại Trung tâm GDNN và GDTX TP Sóc Trăng
Trong năm 2017, đơn vị đã giải quyết việc làm cho 274 học viên; tạo việc làm tại chỗ cho 66 học viên học nghề nông nghiệp. Cùng với đó, phối hợp cùng với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu việc làm cho học viên sau đào tạo đến các công ty trên địa bàn tỉnh, có 4 học viên lớp may công nghiệp xuất khẩu lao động nước ngoài.
Bên cạnh đó, trung tâm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Chủ động xây dựng nội dung và tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành trên địa bàn thành phố và 10 phường để tuyên truyền về vai trò của giáo dục thường xuyên trong việc nâng cao dân trí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Phối hợp tốt với UBND 10 phường trong việc tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề ngắn hạn; phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề dạy bổ túc văn hóa cho các em học viên tham gia học nghề tại trường. Riêng năm học 2017 - 2018, trung tâm tiếp tục phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề tuyển sinh được 6 lớp 10 với hơn 200 học viên (hệ vừa học nghề, vừa học văn hóa). Đến nay, việc dạy và học đã đi vào nề nếp, góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng trong tỉnh.
Theo bà Lê Thị Hồng Anh, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghề cho lao động nông thôn; thông qua các hình thức dạy nghề sơ cấp, ngắn hạn phù hợp với đặc điểm, khả năng, trình độ của mỗi người nhằm giúp người lao động nâng cao cơ hội tìm việc làm và tự tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống, từng bước giảm nghèo, với quy mô và cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và sử dụng lao động, tăng tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đã học nghề, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo trong năm 2018.

T. Quyên