Kinh tế
Tổng cục Hải quan nỗ lực triển khai kế hoạch chuyển đổi số
09:39 AM 06/07/2022
(LĐXH)- Những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, hướng tới xây dựng Hải quan số.
Trong 10 năm qua, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt.
Ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử (E-Declaration). Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 01 - 03 giây.
Từ năm 2012, Cơ quan hải quan đã kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin của các Ngân hàng thương mại và Kho bạc nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử (E-payment).
Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, kết nối internet; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan. Số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi thương mại theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Việc triển khai hệ thống VASSCM góp phần làm cho hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp. Đến nay, việc thực hiện giám sát hải quan tự động được thực hiện tại hầu hết các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Từ ngày 27/01/2022, chức năng cảnh báo chống ùn tắc đã được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời, Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ triển khai mở rộng giải pháp ứng dụng dữ liệu định vị GPS để cảnh báo ùn tắc phương tiện vận tải và giám sát hàng hóa XNK tại cửa khẩu, ICD, cảng biển, cảng hàng không quốc tế trong thời gian tới.
: Nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình khai hải quan, từ ngày 01/01/2022, Tổng cục Hải quan  đã phối hợp với Công ty EPAY triển khai phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức đào tạo trực tuyến, hướng dẫn sử dụng phần mềm khai hải quan miễn phí cho các đơn vị Hải quan và doanh nghiệp.
Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn triển khai hệ thống trao đổi thông tin với Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn (thời gian hoàn thành nâng cấp từ ngày 10/4/2022).
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc hệ thống seal định vị điện tử GPS phục vụ giám sát hàng hóa vận xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả mang tính đột phá. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (~ 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt
Về tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tính đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành tích hợp 98 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng đã tập trung triển khai các hoạt động để từng bước ứng dụng CNTT một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của Ngành như: Giám sát quản lý về hải quan; Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu; Về quản lý giá tính thuế; Về quản lý rủi ro; Kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm. Các hệ thống trên đều đã được triển khai thống nhất trong toàn Ngành và mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Bên cạnh việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ hải quan, Tổng cục Hải quan cũng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành nội bộ của Tổng cục Hải quan và đã mang lại hiệu quả cao.
Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc điều phối và phối hợp với các Bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Với những nỗ lực đó, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN trong thời gian qua đã có bước đột phá, mang tính cách mạng.
Tính đến ngày 15/6/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 4,92 triệu bộ hồ sơ của hơn 54.8 nghìn doanh nghiệp.
Về Cơ chế một cửa ASEAN, đến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 09 nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Phillipine. Đồng thời, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung của ASEAN: Hiện nay, đang triển khai kết nối thử nghiệm theo kế hoạch của ASEAN. Tiếp sau đó sẽ chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022.
Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Trong năm 2018, việc trao đổi chính thức thông tin e-C/O đã tiết kiệm 7,89 triệu đô la Mỹ, trong đó tiết kiệm 2,95 triệu đô la Mỹ đối với hàng nhập khẩu và 4,94 triệu đô la Mỹ đối với hàng xuất khẩu.
Nhận thức việc tiếp cận và chủ động ứng dụng những công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là chìa khóa để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu và từng bước ứng dụng các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan: Công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT); phân tích dữ liệu lớn (BI); công nghệ di động (mobile platform); công nghệ chuỗi khối (blockchain),...
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thống suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.
Với những kết quả đạt được, năm 2019, Tổng cục Hải quan đã được Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) trao Giải thưởng Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2019./.
Thảo Lan