Xã hội
Tội phạm mua bán người tại Việt Nam tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp
04:17 PM 13/10/2018
Theo Cục Cảnh sát hình, Bộ Công an, trong thời gian qua, cùng với xu hướng chung của các loại tội phạm hình sự, tội phạm mua bán người tại Việt Nam có những diễn biến hết sức phức tạp và rất nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ gia tăng, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt, chủ yếu là đưa ra nước ngoài bán (chiếm khoảng trên 80%), trong đó mua bán sang Trung Quốc chiếm khoảng trên 75%, còn lại là bán sang các nước Lào, Campuchia, Malaysia, Thái Lan và các nước khác.
Trung bình hàng năm, toàn quốc phát hiện khoảng 400 vụ án mua bán người. Nạn nhân trong các vụ án mua bán người chiếm khoảng trên 90% là phụ nữ, trẻ em gái, độ tuổi phổ biến là từ 15 đến dưới 30 tuổi. Thủ đoạn phổ biến là: Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội như : Facebook, Zalo, Viber…), sử dụng nick, hình ảnh đại diện giả… tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt những cô gái mới lớn, thích ăn chơi đua đòi, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… để môi giới lấy chồng nước ngoài hoặc đưa đi tìm việc làm có thu nhập cao, sau đó đưa nạn nhân ra nước ngoài bán làm gái mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp. 
Riêng 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng đã điều tra, khởi tố 54 vụ/ 87 đối tượng. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 65 vụ/ 132 bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 70 vụ/ 141 bị cáo; Đã giải quyết xét xử 54 vụ/ 113 bị cáo. Cục C45 đã trực tiếp xác lập, đấu tranh 3 chuyên án; Đã bắt 2 đối tượng, giải cứu 7 nạn nhân. Bên cạnh đó, xác minh, giải cứu, tiếp nhận trên 700 trường hợp, trong đó có hơn 200 trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán (còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép).
Các đối tượng mua bán người bị bắt tại tại Đồn Biên phòng Bát Xát (lLào Cai)
Theo đánh giá, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2018) quy định Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện các điều luật trên, do đó công tác phòng, chống tội phạm mua bán người còn gặp nhiều khó khăn như: việc xác định thủ đoạn khác trong vụ án mua bán người; nạn nhân trong vụ án mua bán người... Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người ở một số địa phương chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo được phong trào rộng khắp và thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.
 Cùng với đó, chưa có lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống tội phạm mua bán người ở địa phương, phần lớn là kiêm nhiệm. Kinh phí phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mua bán người còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ công tác. Việc hợp tác với các nước để giải quyết các vụ án mua bán người còn nhiều vướng mắc, thiếu kịp thời. Công tác phối hợp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng, đường dây phạm tội là người Trung Quốc còn hạn chế, nhiều hoạt động phạm tội mua bán người chưa được xử lý triệt để; mới chỉ điều tra, xử lý được đối tượng bán, không điều tra làm rõ và xử lý được đối tượng mua. Một số trường hợp khi bị phát hiện, bắt giữ còn ở ngoài phạm vi hành lang biên giới; cả người tổ chức trốn và người trốn ra nước ngoài đều không thừa nhận hành vi xuất cảnh trái phép, do đó gây rất nhiều khó khăn cho các hoạt động điều tra, xử lý. Một số yêu cầu phối hợp điều tra, giải cứu nạn nhân bị lừa bán của  Việt Nam không thực hiện được vì địa bàn Trung Quốc rộng lớn, nhiều nạn nhân bị lừa bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc, cách xa biên giới hàng nghìn km. Thiếu thông tin, bị quản lý chặt chẽ hoặc bị đe dọa, khống chế, ngôn ngữ bất đồng nên rất khó khăn cho việc thu thập thông tin, chứng cứ. Mặt khác, kinh phí cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người còn rất hạn hẹp.
Trong khi đó, các đối t­ượng chính thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu quen biết qua mạng xã hội, hoạt động lưu động, không có địa chỉ rõ ràng, chính xác hoặc lẩn trốn ở n­ước ngoài, nhiều đối tượng phạm tội lần đầu nên công tác điều tra thu thập chứng cứ, truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân gặp nhiều khó khăn. Nạn nhân sau khi bị lừa bán từ n­ước ngoài trở về Việt Nam không đến các cơ quan công an trình báo tố giác tội phạm hoặc không hợp tác với cơ quan công an trong công tác điều tra xử lý tội phạm bởi lý do như do mặc cảm, nhân phẩm, danh dự, sợ bị trả thù… dẫn tới công tác xác minh điều tra, thu thập chứng cứ, xử lý đối t­ượng phạm tội gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các vụ án mua bán người, nạn nhân bị đưa sâu vào nội địa Trung Quốc, không xác định được địa chỉ nơi ở cụ thể, gây khó khăn cho công tác giải cứu và điều tra vụ án. Trong một số vụ án, nạn nhân là người dân tộc thiểu số gây khó khăn cho công tác thu thập thông tin, điều tra xử lý như: bất đồng về ngôn ngữ giữa cán bộ công an và nạn nhân, gia đình của họ; nạn nhân không có giấy khai sinh, hoặc sổ hộ khẩu…  Tình trạng người dân ở một số địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê qua các đường tiểu ngạch vẫn phổ biến, có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người; gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý của lực lượng chức năng. Trình độ nhận thức của nạn nhân còn nhiều hạn chế, nhiều nạn nhân không nhận thức được hành vi, thủ  đoạn của tội phạm mà còn kiên quyết bảo vệ đối tượng khi bắt giữ, gây rất nhiều khó khăn đối với công tác phòng, chống và đấu tranh với tội phạm này. Ngoài ra, số phụ nữ Việt Nam đi Trung Quốc lấy chồng và số con lai quay trở về Việt Nam sinh sống chiếm tỷ lệ khá cao, tiềm ẩn nhiều phức tạp về ANTT nói chung, hoạt động đấu tranh, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng.
 Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Cục Cảnh sát hình, Bộ Công an đề xuất nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phòng, chống mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này; Các văn bản pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài, không để bọn tội phạm lợi dụng.
 Ngành Công an cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ các cấp tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật đến đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để họ tự nâng cao nhận thức, tự bảo vệ mình, tránh trở thành nạn nhân của loại tội phạm này; Phối hợp với ngành Lao động- TB và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức phi Chính phủ... thực hiện có hiệu quả việc trao trả, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan Truy tố, xét xử (Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp)  tiến hành đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội mua bán người; Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tiến hành các hoạt động nghiệp vụ như Điều tra cơ bản nắm tình hình khu vực biên giới, phối hợp xác lập các chuyên án lớn về mua bán người liên quan đến nhiều địa phương trong toàn quốc để triệt phá, bóc gỡ các đường dây tội phạm mua bán người, bắt giữ xử lý các đối tượng phạm tội.
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng về công tác phòng chống tội phạm mua bán người cho các ngành, đoàn thể thành viên; bố trí đủ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra. Tăng cường hợp tác với Cảnh sát các nước và các tổ chức quốc tế về phòng chống mua bán người như: Hội thảo, tập huấn; tiếp nhận, giải cứu nạn nhân, truy bắt các đối tượng phạm tội truy nã bỏ trốn./.
Nhật Minh