Xã hội
Tội phạm mua bán người nhiều tiềm ẩn phức tạp
04:16 PM 28/07/2017
Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bản TP. Hà Nội nhiều tiềm ẩn phức tạp, tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Người dân ở các tỉnh đến thành phố tìm việc làm ngày càng tăng; số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự cũng tăng theo.
Thủ đoạn dụ dỗ bắt cóc trẻ em. Ảnh minh họa
Hơn 80% số vụ mua bán người sang Trung Quốc
Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hà Nội cho biết,  việc thông thương, giao lưu buôn bán, đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối Asean có nhiều thuận lợi. Những yếu tố trên là một trong các điều kiện cho các loại tội phạm hình sự nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người nói riêng và hoạt động phạm tội…
Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, số vụ mua bán người sang Trung Quốc chiếm 81% tổng số vụ phát hiện, khám phá. Các đối tượng mua bán người thường có mối quan hệ với số đối tượng là người Trung Quốc (hoặc người Việt Nam đã sang làm ăn, lấy chồng tại Trung Quốc).
Trong 3 năm từ năm 2015 đến tháng 6/2017, Công an Thành phố khám phá 7 vụ, trong đó có 2 vụ mua bán trẻ em, 5 vụ mua bán người, bắt giữ 10 đối tượng, xác định 14 nạn nhân...
Nguyên nhân là người dân hạn chế về nhận thức, đói nghèo, thất học và thất nghiệp, thiếu sự quan tâm dạy dỗ của gia đình, ham lợi ích vật chất... Những kẻ buôn bán người đã lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân ở vùng nông thôn, những người không có việc làm, hoàn cảnh khó khăn… để chủ động làm quen, dùng những lời nói đường mật, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rủ đi chơi, mua sắm để lừa bán vào các động mại dâm trá hình tại Việt Nam hoặc nước ngoài (chủ yếu sang Trung Quốc) để làm gái mại dâm.
Ngoài ra, một số đối tượng sử dụng mạng internet, điện thoại… để lừa gạt học sinh, sinh viên hay thiết lập các đường dây hoạt động mại dâm dưới hình thức gái gọi qua mạng và tổ chức các chuyến “du lịch tình dục” xuyên quốc gia… Do đó, nhiều người dân luôn cảnh giác, thậm chí là ám ảnh về nạn buôn bán người. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ đánh nhầm người vì nghi bắt cóc trẻ em.
Cần hành xử thận trọng trước thông tin bắt cóc trẻ em
Phút kinh hoàng của 2 phụ nữ bán tăm bị dân làng vây đánh vì nghi bắt cóc
Liên quan đến việc gần đây có các tin đồn bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội và sự việc đáng tiếc vì nghi ngờ người phụ nữ bán tăm bắt cóc trẻ em nên người này đã bị người dân đánh đập, Thượng tá Lê Khắc Sơn cho hay, gần đây tại TP. Hà Nội có một số thông tin bắt cóc trẻ em không đúng sự thật gây hệ lụy rất nặng nề. Chỉ tính riêng tháng 7 đã có hàng loạt những tin đồn bắt cóc trẻ em gây hoang mang dư luận xuất hiện trên mạng xã hội.
Ngày 22/7 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh 2 người phụ nữ bị người dân khống chế và đánh đập vì nghi bắt cóc trẻ em. Tuy nhiên, khi công an vào cuộc điều tra thì sự việc chỉ là hiểu nhầm, 2 người phụ nữ này bị đánh oan.
Trước đó, vào sáng 13/7, nhiều trang mạng xã hội cũng lan truyền clip dân vây bắt người phụ nữ nghi bắt cóc trẻ em ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò (Nghệ An). Và, theo kết luận điều tra của công an thì đây cũng là trường hợp bị đánh nhầm, không phải bắt cóc trẻ em.
Ngày 7/7, tại thôn Lương Tân, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, người dân cũng đã vây quanh hai thanh niên nghi bắt cóc trẻ em đồng thời chửi bới thô tục, dọa hành hung. Cuối cùng, vụ việc chỉ là sự hiểu nhầm. Hay vào sáng 5/7, tại thôn 8, xã Tân Phong, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình một vụ đánh nhầm người vì nghi bắt cóc cũng đã xảy ra.
Để tránh gây ra những hệ lụy nặng nề, đề nghị người dân khi đón nhận thông tin cần thận trọng, suy xét kỹ lưỡng, tránh dao động, hoang mang, hoặc có cách hành xử thiếu bình tĩnh. Người dân cần bình tĩnh, kiểm chứng thông tin và trình báo công an để có hướng giải quyết, tránh trường hợp oan uổng như vụ việc 2 người bán tăm bị đánh ở huyện Sóc Sơn thời gian vừa qua.
Về việc người dân “tự xử” các trường hợp nghi bắt cóc trẻ em, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Bộ Công an) khẳng định, đó là hành trái pháp luật.
“Người dân có quyền trình báo, bắt giữ người tình nghi bắt cóc trẻ em giao cho công an nhưng không được tự ý sử dụng vũ lực đánh người khác. Người bị tình nghi nếu phạm tội đã có pháp luật xử lý. Hành vi “tự xử” của người dân là trái pháp luật, để lại hậu quả rất nghiêm trọng và có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự nơi công cộng”, Thiếu tường Hồ Sỹ Tiến nói.
Liên quan đến việc đánh người do hiểu nhầm bắt cóc trẻ em rồi tung tin lên mạng xã hội, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP. Hà Nội cho biết: “Nhiều người dùng mạng xã hội cứ nghĩ rằng trang cá nhân của mình, mình thích nói gì thì nói mà không ý thức được mức độ lan tỏa thông tin trên mạng xã hội hiện nay rất lớn và gây ảnh hưởng xấu tới xã hội”.
Thượng tá Hằng khuyến cáo, người dùng mạng xã hội cần nâng cao trách nhiệm hơn trong việc chia sẻ thông tin tới công đồng để không làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội và tránh vi phạm pháp luật. Theo quy định, cá nhân sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng. Mức phạt này sẽ tăng lên gấp đôi đối với tổ chức có hành vi tương tự.
Theo Tiếng chuông