Lao động
Tọa đàm: Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045
02:41 PM 11/12/2020
(LĐXH)- Sáng 11/12, Báo Nhân Dân tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến: “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045”. Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia, khách mời trao đổi về hai đề án: “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động” đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo.
Hai Đề án quan trọng Cục Việc làm đang xây dựng
TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang xây dựng hai Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động”. 
Việc xây dựng hai Đề án này là hết sức quan trọng để góp phần cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 5 khóa XII về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hướng tới xây dựng một thị trường lao động định hướng XHCN; góp phần định hình hành lang pháp lý để phát triển các thể chế thị trường của thị trường lao động.
“Thí dụ, 10 năm qua, thị trường lao động của chúng ta quy mô còn nhỏ, các thể chế thị trường lao động mới được thiết lập có hành lang pháp lý như Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các sàn giao dịch việc làm. Để bảo đảm những thể chế này hoạt động đồng bộ, hiện đại đúng như tinh thần của Nghị quyết TƯ 5 khóa XII về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bắt buộc chúng ta phải có những hành lang pháp lý cho những thể chế này thực sự phát triển” – Cục trưởng Cục Việc làm nói.
Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm
Theo TS. Vũ Trọng Bình, câu hỏi đặt ra là Đề án này phải giải quyết được vấn đề thực tiễn. 10 năm qua, thị trường lao động Việt Nam phát triển rất mạnh trong nước, thể hiện ở chỗ có những vùng thị trường lao động biến động, phát triển kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế, như Đông Nam Bộ hay đồng bằng sông Hồng.
Chúng ta có những thị trường lao động chuyên biệt, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu rất mạnh, đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản, như thị trường đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Đối với miền núi, chúng ta phải có thị trường riêng để vừa bảo đảm phát triển hài hòa với trình độ phát triển của miền núi, nhưng cũng đúng với việc phát huy những ưu tiên của Đảng, Nhà nước đối với chính sách miền núi và chính sách dân tộc. Đề án này phải giải quyết được những điểm căn bản đó.
Đánh gía về Đề án này, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, đây là định hướng đúng và thực chất, vì giải quyết việc làm là mục tiêu của an sinh xã hội, là trụ cột có tính chất phòng ngừa bảo đảm cho người việc làm có thu nhập, giải quyết đời sống cho người lao động.
Theo TS Bùi Sỹ Lợi, Đề án phải giải quyết hai nhiệm vụ là xây dựng cho được một thị trường lao động ổn định, hài hòa và hiện đại và chất lượng thị trường lao động, bởi vì chất lượng thị lao động giải quyết việc làm bền vững.
Đề án cũng phải tránh được người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, chúng ta phải nghĩ đến việc đào tạo, đào tạo lại nhằm giữ chỗ cho người lao động để khi chuyển đổi cơ cấu, công nghệ dưới tác động cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động vẫn có cơ hội tìm công việc khác. Ngoài ra, còn có một số yếu tố nữa để giải quyết vấn đề việc làm bền vững.
Chúng ta đừng coi thị trường lao động như vấn đề xã hội. Đây là vấn đề kinh tế. Chúng ta phải đầu tư xử lý việc làm cho người lao động trên cơ sở phát triển thị trường lao động.
Nói về những lưu ý của 2 Đề án này, TS Ngô Quỳnh An,  Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực - ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, thị trường lao động ở các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói chung là thị trường phân đoạn, không đồng nhất. Các chính sách và đề án phát triển cần phải đề cập đến sự phân đoạn này.
Bản chất của việc làm trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay mang tính chất mưu sinh là chủ yếu, không phải việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững hay tăng trưởng xanh. Vì vậy khoảng cách giữa mục tiêu đặt ra là việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế - xã hội bền vững là khoảng cách khá xa. Do đó, cần có lộ trình cụ thể, không thể coi là một thị trường lao động đồng nhất giống như các nước phát triển.  
Bên cạnh khu vực chính thức, còn tồn tại khu vực phi chính thức. Khu vực phi chính thức cung cấp công ăn việc làm, sinh kế cho nhiều người lao động và gia đình họ. Khu vực này dễ tham gia và không có rào cản, quy định về vốn và kỹ năng nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào người lao động cũng tham gia được thị trường này và thị trường phi chính thức sẽ còn tồn tại lâu dài và phát triển. Chúng ta cần từng bước nâng cao chất lượng của thị trường phi chính thức, giúp lao động có động lực để chuyển đổi sang thị trường chính thức.
TS Ngô Quỳnh An cũng lưu ý Đề án này quy hoạch phát triển vùng như thế nào để rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhưng không ra khỏi nông thôn và không dịch chuyển quá xa như hiện nay để gây ảnh hưởng tới cuộc sống và hệ lụy với người lao động. Đồng thời, cần xét tới lao động quốc tế. Có nhiều vấn đề cần đề cập tới nhà xuất khẩu lao động, lao động nhập cư tới Việt Nam phải kiểm soát ra sao.
Lãnh đạo Ban Nhân Dân điện tử tặng hoa các khách mời
Phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Hưng, Phó Phòng Hành chính nhân sự - Công ty CP MediaMart Việt Nam cho rằng, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện nay phát triển khá nhanh và khá năng động. Qua đó, hỗ trợ cho nhà tuyển dụng và người lao động rất nhiều.
Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ một số nhược điểm mà các cơ quan hoạch định cần lưu ý. Đó là các kênh tuyển dụng tư vấn lao động truyền thống như hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm thậm chí các trang tuyển dụng có uy tín: như Vietnamwork, 24h… giảm dần sức hút với người lao động; các mạng xã hội như Zalo, Facebook phát triển khá mạnh mẽ.
“Đối với Media Mart, trong giai đoạn 2011-2015: Sàn giao dịch việc làm và hội chợ việc làm luôn chiếm hơn 50% số lượng tuyển dụng, các kênh tuyển dụng chiếm 20-30%. Nhưng hiện tại, qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook... chúng tôi tuyển dụng khoảng 80% nhu cầu nhân lực của hệ thống. Tuy nhiên, kênh tuyển dụng này cũng bộc lộ rất nhiều nhược điểm: tự phát, thiếu định hướng.... trong việc nhìn nhận, đánh giá các lĩnh vực sử dụng lao động, gây tâm lý không tốt, mất phương hướng cho những người sắp bước vào thị trường lao động.
Vì vậy, tôi hy vọng, các cơ quan xây dựng đề án cũng cần có giải pháp để phát huy được mặt tích cực của các mạng xã hội trong kết nối thông tin thị trường lao động, hạn chế được các tiêu cực, và định hướng tốt hơn cho thông tin thị trường lao động” – ông Vũ Trọng Hưng nhấn mạnh.
TS Vũ Trọng Bình cho biết thêm: “Giao dịch việc làm trực tuyến hiện nay đang ở xu thế chuyển dịch mạnh mẽ trên mạng xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay là xây dựng hệ thống quản trị của Nhà nước để quản lý, chứng nhận chất lượng về những sàn tuyển dụng lao động trực tuyến. Chúng ta có thể dùng quản trị nhà nước hiện đại trên nền tảng môi trường 4.0, kết hợp với dùng quản trị của thị trường thông qua thương hiệu, thông qua sự minh bạch.
Để làm được việc này, Cục Việc làm cũng đề xuất lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lên Quốc hội để đưa ra những thể chế, bảo đảm cho phép giao dịch việc làm trực tuyến. Quan điểm của chúng tôi, nhà nước xây dựng thể chế, chính sách. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu, chứng nhận chất lượng trên không gian mạng khi muốn giao dịch việc làm”./.
Dương Thìn