Xã hội
Tỉnh Phú Yên: Triển khai các giải pháp giảm nghèo giai đoạn 2021-2025
04:50 PM 13/12/2022
(LĐXH) - Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2025, không còn hộ nghèo và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với đầu kỳ (giai đoạn 2022-2025); hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 100 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp; phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất; phấn đấu 50% hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.

Trên cơ sở căn cứ kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016 -2020 qua rà soát hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh dự kiến giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh là từ 1,5 – 2% trình Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần XVII. Đến cuối năm 2021, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch 185/KH-UBND ngày 18/10/2021 về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí hộ nghèo giai đoạn 2022- 2025, kết quả rà soát trên địa bàn tỉnh có 12.939 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,92%. Theo kỳ vọng, hộ nghèo có khả năng thoát nghèo đến cuối năm 2025 trên địa bàn tỉnh là 8.668 hộ, chiếm tỷ lệ 3,3%.

Để thực chỉ tiêu giảm nghèo đúng với tình hình thực trạng hộ nghèo, năm 2022, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 3/8/2022 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Phú Yên. Trong đó, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 0,7 đến 1%/năm, phấn đấu đến cuối năm 2025 trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo (không tính hộ nghèo không có khả năng lao động); Kế hoạch 160/KH-UBND ngày 25/8/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong đó chỉ tiêu giảm nghèo là 0,87%.

Huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ hộ nghèo, các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Yên

Mặc dù công tác giảm nghèo đã đạt như chỉ tiêu kế hoạch nhưng tính bền vững trong giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn nhiều thách thức, chưa thật sự bền vững. Tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hộ nghèo còn thiếu vốn đầu tư, thiếu đất canh tác để phát triển sản xuất. Một bộ phận đồng bào còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo. Trước tình hình đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể:

- Tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan đơn vị, nhất là của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả giảm nghèo là chỉ tiêu để đánh giá thi đua tập thể và cá nhân hàng năm.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài.

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ổn định sinh kế, phát triển sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Cung cấp, đáp ứng đủ nhu cầu về vốn vay với lãi suất ưu đãi cho hộ nghèo, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường... Nâng cao vai trò của các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tiết kiệm và vay vốn trong thực hiện việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp ổn định dân cư, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...

Triển khai các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người nghèo để họ điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững

- Tiếp tục quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là kết nối mạng thông tin đến các vùng nông thôn của tỉnh. Tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: giáo dục và đào tạo; bảo hiểm y tế; khám, chữa bệnh; nhà ở và các chương trình, dự án về nước sinh hoạt.

- Quan tâm đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức cho người nghèo; tăng cường tập huấn, hướng dẫn việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nghèo. Thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động ở vùng tái định cư, vùng ít đất sản xuất; nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với tạo việc làm.

- Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện công tác giảm nghèo, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục, lạc hậu, đấu tranh có hiệu quả với các tệ nạn xã hội, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; chú trọng công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo và tình hình hộ nghèo để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và điều chỉnh các chính sách, giải pháp giảm nghèo cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Trần Huyền

 

Từ khóa: Giám nghèo phú Yên