Văn hóa - Thể thao
Tình cảm gia đình trong ca dao Vùng mỏ
10:22 AM 26/06/2017
Ca dao Vùng mỏ là tiếng nói trữ tình đong đầy tình cảm của người Quảng Ninh. Trong đó tình cảm gia đình là một trong những tình cảm hết sức thiêng liêng, đáng trân trọng đã được loại hình văn học dân gian này phản ánh. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), chúng ta cùng nhìn lại những tình cảm ấy qua các cuốn “Ca dao Vùng mỏ” do Ty Văn hoá - Thông tin (nay là Sở Văn hoá - Thể thao); Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xuất bản.
Những cuốn ca dao Vùng mỏ được sưu tầm, xuất bản trong thời gian qua
Thời người Pháp xâm chiếm và vơ vét than ở Vùng mỏ Quảng Ninh đưa về làm giàu cho nước Pháp, các chủ mỏ, cai ký thường về các tỉnh lân cận ở đồng bằng Bắc Bộ để mộ phu. Nhiều người vì miếng cơm, manh áo đã phải rời quê hương ra mỏ làm phu, để lại sau lưng cả họ hàng và những người thân yêu nhất. Nhưng họ đã lầm vì Vùng mỏ chẳng phải miền đất hứa, những người phu mỏ vẫn cứ đói nghèo và họ ước ao, nhớ về gia đình: “Ước gì vài hào mua gạo mẹ ăn/ Còn mình nhịn đói cho cam tấm lòng”. Họ nhớ cha, nhớ vợ hiền ở quê: “Cha mong con chóng mà về/ Vợ mong con được sớm khuya tới nhà”. Trong vất vả nhọc nhằn những người phu mỏ vẫn không quên trách nhiệm của bản thân đối với gia đình ở quê hương: “Em nhờ anh chị ở nhà/ Trông nom giỗ Tết ông bà hàng năm”.
Ca dao Vùng mỏ quan tâm rất nhiều đến người phụ nữ với tình mẫu tử thiêng liêng, tình vợ chồng son sắt: “Thuyền than mà đậu bến than/ Thương anh vất vả cơ hàn nắng mưa”. Trong xã hội cũ, những người phụ nữ làm phu mỏ là hiện thân của cái đẹp bị dập vùi, bị đẩy đến bước đường cùng phải lao động hết sức cực nhọc: “Lên tầng khuỵu gối đun xe/ Gò lưng mửa mật nắng hè cháy da/ Con nằm khát sữa ở nhà/ Mẹ đau vú sữa vắt ra đầy đường/ Chiều về nhạt ánh tà dương/ Ôm con cho bú lẫn than với bùn”. Người nào có chút nhan sắc thì đều bị cai đội ức hiếp, làm nhục. Nhưng có người không chấp nhận bị chà đạp, không chấp nhận bán mình. Bởi thế họ thường rơi vào cảnh thất nghiệp. Lúc này họ thương con mình hơn cả: “Ru con con ngủ cho ngon/ Mẹ ra bờ biển bắt con sá sùng/ Quanh năm cá biển rau rừng/ Sa chân lỡ bước đường cùng thì thôi/ Con đừng khóc nữa con ơi/ Biết đâu sông nước đầy vơi bao giờ!”. Chỉ vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng và tình yêu thương sâu nặng mới giúp được một số chị em vượt qua được những khó khăn gian khổ ấy. Thậm chí họ còn thi vị hoá cái gian khổ: “Lấy chồng phu kíp thảnh thơi/ Ăn rồi lại trải áo tơi ra nằm”.
Lớn hơn tình cảm gia đình là tình yêu cố hương, nơi có đại gia đình từng sum vầy hạnh phúc. Giờ đây, càng cực khổ, càng buồn tủi, họ càng nhớ quê hương, bản quán. Họ dùng thiên nhiên làm phương tiện để bày tỏ cảm xúc: “Hòn Gai có núi Bài Thơ/ Nhác trông đàn khỉ đu đưa trên cành/ Đêm buồn nghe vượn cầm canh/ Khỉ hời, vượn hỡi thấu tình cho chăng?”. Những người phu mỏ vì đói nghèo, vì nợ nần, vì những lời mộ phu ngọt ngào mà họ phải ra đi nhưng vẫn cánh cánh nỗi nhớ quê: “Hôm qua ra bến Quảng Đông/ Muốn về Nam Định mà không có tiền”. Đó là nỗi nhớ những người thân ruột thịt nay đã xa cách: “Cùng là bát máu sẻ đôi/ Nhà nghèo nên nỗi mỗi người một phương”. Vì thế không gian nghệ thuật trong ca dao Vùng mỏ có một “không gian cố hương”. Điều này cũng dễ hiểu vì đa số những thợ mỏ ở Quảng Ninh đều là dân từ các tỉnh lân cận. Cố hương ấy có khi là quê lúa Thái Bình: “Có ai về tỉnh Thái Bình/ Cho tôi nhắn gửi chút tình quê hương/ Từ ngày lưu lạc tha phương/ Vừa nhớ em bé vừa thương mẹ già”, có khi là quê hương Nam Định: “Bà ơi, cho cháu xin xu/ Cháu mua bánh gù cháu gửi về Nam/ Tháng này bố cháu đi làm/ Bị cai cúp phạt chẳng còn một xu”. Không gian cố hương ấy đã nhuốm màu tâm trạng, một cái tâm trạng buồn mênh mang: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Quảng Đông tàu đã tếch miền xa xa/ Trông tàu lại nhớ đến nhà/ Cánh buồm lơ lửng biết là về đâu”.
Đọc những bài ca dao về tình cảm quê hương, gia đình trong “Ca dao Vùng mỏ” ta thấu hiểu hơn nỗi niềm của những người con xa xứ. Tình cảm gia đình trong ca dao Vùng mỏ, nhất là phần ca dao trước Cách mạng Tháng Tám, thường được thể hiện qua nỗi nhớ thương da diết, xót xa ngậm ngùi. Điều đó góp phần tôn thêm giá trị độc đáo riêng có của loại hình văn học dân gian trong kho tàng di sản văn hoá phi vật thể quý báu của Vùng mỏ.
Theo baoquangninh.com.vn