Lao động
Tiếp tục tạo sự đột phá trong công tác Giáo dục nghề nghiệp
12:35 PM 08/10/2018
(LĐXH) - “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công cuộc CNH-HĐH đất nước. Để có được hiệu quả cần một sự phối hợp đồng bộ cũng như nỗ lực của các cấp, các ngành và mỗi địa phương…
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng công cuộc CNH-HĐH đất nước
Trước tiên là cần đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trong đó nhiệm vụ chính là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch và các chương trình, dự án về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi tham gia các khóa đào tạo.
Hoàn thiện chính sách đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, người lao động qua đào tạo và doanh nghiệp; chính sách đối với người học về học phí, học bổng, trợ cấp, tín dụng, tôn vinh, khen thưởng; ban hành danh mục ngành, nghề yêu cầu người lao động phải có văn bằng chứng chỉ theo các trình độ giáo dục nghề nghiệp hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia khi tham gia thị trường lao động.
Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp; từng bước giảm sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản đối với hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực cán bộ quản lý các cấp theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa.
Rà soát, sắp xếp và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng.
Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghề quốc gia, chuẩn đầu ra, các chuẩn về điều kiện bảo đảm chất lượng; các định mức kinh tế - kỹ thuật cho các ngành, nghề; áp dụng các chuẩn của các nước ASEAN-4, các nước phát triển trong nhóm G20; áp dụng chuẩn quốc tế theo các điều kiện đảm bảo chất lượng về chương trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà giáo đối với các chương trình cấp độ quốc tế đã chuyển giao.
Xây dựng và ban hành chuẩn đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, người giảng dạy tại các doanh nghiệp, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; tổ chức bồi dưỡng chuẩn hóa về nghiệp vụ sư phạm, chuyên môn nghề, ngoại ngữ, tin học cho nhà giáo, người giảng dạy tại các doanh nghiệp, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Đổi mới chương trình đào tạo gắn với chuẩn đầu ra, theo vị trí việc làm và năng lực thực hiện phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng theo phương thức tích lũy mô đun, tín chỉ; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; tổ chức thí điểm đào tạo cho sinh viên của các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao và cấp bằng của nước ngoài; phối hợp với doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp trong đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên; thí điểm cơ quan độc lập đánh giá năng lực và chứng nhận năng lực nghề nghiệp cho người học sau khi tốt nghiệp.
Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường chất lượng cao, trường được lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm, các trường đại học sư phạm kỹ thuật, các khoa sư phạm giáo dục nghề nghiệp và các trường chuyên biệt phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật; tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc sử dụng cơ cở vật chất, thiết bị  của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động phục vụ thực tập, thực hành của người học.
Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững. Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo. Chú trọng công tác hướng nghiệp, tư vấn về giáo dục nghề nghiệp tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong phát triển giáo dục nghề nghiệp.
NHB