Pháp luật
Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
05:00 PM 15/01/2018
(LĐXH)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại hội nghị tổng kết công tác pháp chế năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – TBXH) diễn ra ngày 15/1.
Tham dự hội nghị tổng kết còn có Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn cùng lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ Lao động – TBXH và cán bộ, công nhân viên chức trong Vụ.
Quanh cảnh hội nghị 
Báo cáo kết quả công tác pháp chế nêu rõ, năm 2017, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ Lao động – TBXH và ngoài ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời 16 nhóm nhiệm vụ chính được giao. Trong đó, nổi bật là công tác xây dựng văn bản pháp luật đã hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách và tổ chức thực thi nhiệm vụ của Ngành. Kết quả, Bộ Lao động – TBXH đã trình cơ quan có thẩm quyền 31 Đề án (9 Nghị định, 4 Quyết định và 1 Chỉ thị) và thuộc tốp đầu trong các Bộ, ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế; nghiên cứu soạn thảo và trình Bộ trưởng ban hành 33 Thông tư, duyệt hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) và đăng website Chính phủ và của Bộ để lấy ý kiến các Bộ, ngành và ý kiến của nhân dân; phối hợp nghiên cứu soạn thảo, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào năm 2018…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo cần tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Bên cạnh đó, công tác thẩm định văn bản cũng tiến bộ hơn các năm trước, nội dung các văn bản thẩm định đạt tiến độ và chất lượng, góp phần đảm bảo tính khả thi, phù hợp của hệ thống pháp luật khi ban hành (đã thẩm định 47 văn bản của Bộ và tham gia ý kiến, thẩm định việc đánh giá tác động đối với 40 thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ). Công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính cũng được các đơn vị quan tâm chú trọng thực hiện, việc công bố được tiến hành công khai, thường xuyên cập nhật trên các trang thông tin điện tử giúp cho các đối tượng thực hiện được dễ dàng, thuận lợi. Hoạt động nghiên cứu, phê chuẩn công ước và báo cáo tình hình thực hiện công ước đảm bảo đúng thời hạn và đạt yêu cầu theo các tiêu chí của ILO, Liên Hợp quốc đề ra. Việc theo dõi thi hành pháp luật, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công tác rà soát, hệ thống hóa cũng được quan tâm, qua đó nhiều quy định pháp luật được đánh giá, phát hiện và sửa đổi, bổ sung kịp thời để đảm bảo tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu ý kiến tại hội nghị
Để khắc phục những mặt còn hạn chế trong của công tác pháp chế năm 2017, Vụ Pháp chế đã đề ra 7 nhiệm vụ chính trong năm 2018, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện lập hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi); nghiên cứu phên chuẩn và hoàn thiện hồ sơ phê chuẩn các công ước; đổi mới cách thức tiến hành công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tuyên truyền pháp luật…
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn báo cáo nhiệm vụ công tác pháp chế
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018. Trong đó, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, cho rằng: Xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng nhất nên đơn vị phải đảm bảo các văn bản pháp luật phù hợp và mang "hơi thở" thực tiễn; việc xây dựng Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) phải vừa làm, vừa lắng nghe ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp Nhà nước, nhất là ý kiến của các tầng lớp nhân dân, người lao động và doanh nghiệp. Việc hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu phê chuẩn các công ước phải phù hợp với thông lệ quốc tế…
Lãnh đạo các đơn vị tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị tổng kết
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã hoan nghênh Vụ Pháp chế đã xây dựng được báo cáo bám sát vào 16 nội dung, đặc biệt là 12 nội dung theo Nghị định và Quyết định của Bộ trưởng về quy chế, chức năng nhiệm vụ. Trong tổng thể thành công chung của toàn ngành có sự đóng góp của Vụ Pháp chế vì vấn đề xây dựng thể chế chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đất nước chỉ có thể ổn định, phát triển khi an sinh xã hội tốt. Và muốn làm tốt an sinh xã hội thì việc đầu tiên là xây dựng và ban hành hệ thống các chính sách pháp luật liên quan đến an sinh xã hội, trong đó có cả Luật Lao động, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế… đây là những trụ cột đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, nhân viên Vụ Pháp chế
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng: Muốn xây dựng 1 hệ thống pháp luật đồng bộ và đủ sức để điều hành xã hội thì cái gốc pháp luật của chúng ta hiện hữu là đạo đức, là lòng dân để hành động. Cái gốc này bắt đầu từ việc xây dựng cho đến tổ chức thực hiện, từ thể chế chính sách phải bắt đầu từ người dân và nhân dân là người được thụ hưởng. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu phải nâng cao chất lượng văn bản, phương châm xây dựng thể chế chính sách phải thực hiện đúng, đủ và nhanh nhưng không được trái với Hiến pháp, phải theo quy định và quy trình. Vụ Pháp chế cũng cần phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tập trung đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội của toàn ngành trong thời gian tới, đánh giá phải gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tích hợp lại các văn bản quy phạm pháp luật, làm sao để giảm bớt thủ tục hành chính và công khai trên mạng, qua nhiều kênh thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật và đổi mới cách tiếp cận phù hợp với các tầng lớp nhân dân, đi liền với đó là theo dõi, đánh giá hiệu quả thực thi pháp luật…

Chí Tâm