Xã hội
Tiền Giang: Đến hết năm 2020 xóa 100% hộ nghèo có đối tượng chính sách
02:45 PM 12/11/2019
(LĐXH)- UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch 358 xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng (gọi tắt là hộ nghèo có đối tượng chính sách) trên địa bàn tỉnh.
Mục đích của việc ban hành Kế hoạch này là nhằm cải thiện và nâng cao đời sống hộ nghèo có đối tượng chính sách. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. UBND tỉnh yêu cầu: Việc hỗ trợ cho hộ nghèo có đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; thực hiện đồng bộ từ tỉnh, huyện đến cơ sở với nội dung, hình thức phù hợp từng địa bàn quản lý.
Phân loại đối tượng, nguyên nhân nghèo để có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống cho hộ chính sách bảo trợ xã hội; các chính sách, giải pháp giảm nghèo phải được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang thăm và tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn
Tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tổ chức tốt việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn; đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đề ra.
Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 cuối năm 2018, hộ nghèo có đối tượng chính sách trong toàn tỉnh hiện nay là 264 hộ. Trong đó, huyện Cái Bè 37 hộ, huyện Cai Lậy 6 hộ, TX. Cai Lậy 13 hộ, huyện Tân Phước 15 hộ, huyện Châu Thành 22 hộ, TP. Mỹ Tho 13 hộ, huyện Chợ Gạo 4 hộ, huyện Gò Công Tây 6 hộ, huyện Gò Công Đông 20 hộ, huyện Tân Phú Đông 109 hộ, TX. Gò Công 19 hộ. Theo kế hoạch năm 2019 sẽ giảm 20%, năm 2020 giảm 80% hộ có đối tượng chính sách còn lại.
Các cơ quan, đơn vị ở Tiền Giang luôn quan tâm, chăm sóc đối tượng chính sách
UBND tỉnh đề ra các giải pháp chung và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, các giải pháp cụ thể gồm:
Một là, căn cứ các chính sách giảm nghèo hiện hành, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các địa phương phân loại đối tượng hộ nghèo có đối tượng chính sách cần hỗ trợ những gì (nhà ở, đất sản xuất, việc làm, vốn sản xuất…) để đề xuất các giải pháp phù hợp, cụ thể cho từng đối tượng (hộ thiếu vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; hộ có người cao tuổi, neo đơn…), hỗ trợ về nhà ở, tặng sổ tiết kiệm.
Hai là, phân công các tổ chức chính trị, đoàn thể cơ sở, cán bộ, đảng viên theo dõi giúp đỡ hộ nghèo có đối tượng chính sách; tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, huyện. Ba là, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, đoàn thể cấp cơ sở chịu trách nhiệm trực tiếp hỗ trợ đối với từng hộ nghèo có đối tượng chính sách trên địa bàn, coi nhiệm vụ hỗ trợ các hộ nghèo có đối tượng chính sách thoát nghèo là nội dung quan trọng để đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị, tổ chức đó trong năm cũng như trong cả nhiệm kỳ. Bốn là, tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo ở cơ sở gắn với sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo.
UBND tỉnh giao các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn; đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình tích cực tham gia thực hiện Kế hoạch này./.
PV