Xã hội
Tích cực giúp đỡ nạn nhân bom mìn tại Hà Giang khắc phục khó khăn trong cuộc sống
11:00 PM 16/11/2022
(LĐXH)-Trên địa bàn tỉnh Hà Giang có hơn 90.000ha đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh): Khu vực ô nhiễm bom, mìn, vật nổ vừa và nặng chủ yếu nằm dọc tuyến biên giới tại các khu vực điểm cao chiến lược thuộc các huyện: Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Hoàng Su Phì-là những nơi diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt của quân và dân ta trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, những nơi có nhiều bộ đội hy sinh còn nằm lại chưa tìm thấy hài cốt.
Đến nay, tổng diện tích đất đai đã rà phá được bom, mìn, vật nổ là hơn 12.000ha, còn gần 78.000ha bị ô nhiễm. Tháng 12-2022, dự án rà phá bom, mìn, vật nổ (giai đoạn 1) phục vụ TKQT HCLS trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành với diện tích 1.720ha. Tỉnh kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm triển khai thực hiện dự án giai đoạn 2 trên địa bàn hai huyện Vị Xuyên và Quản Bạ.
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa - Phó Chủ tịch thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết, để từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, Hội đã vận động quyên góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để trợ giúp cho nạn nhân bom mìn. Chương trình tặng quà hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn được đưa vào trong kế hoạch chương trình công tác hàng năm và trong nhiệm kỳ của Hội. Chương trình hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân được cụ thể hóa qua chương trình tặng bò cho các hộ gia đình nạn nhân. Hội đã giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình nạn nhân bom mìn còn khó khăn, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng phát triển chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, Hà Giang là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của bom mìn trong chiến tranh và hiện cả tỉnh có gần 400 nạn nhân bom mìn. Từ khi thành lập Hội (năm 2014) đến nay, Tập đoàn TASECO, Quỹ Hòa Bình Việt Nam và nhiều tổ chức, cá nhân luôn đồng hành cùng Hội trong các hoạt động tặng quà hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có tỉnh Hà Giang.
Trong tháng 7/2022 vừa qua, thực hiện kế hoạch công tác của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam về Chương trình tặng quà hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh đã tổ chức triển khai kế hoạch công tác đến các đơn vị phối hợp như Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, UBND huyện Đồng Văn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Văn, Hội Chữ thập đỏ huyện Đồng Văn và xã Ma Lé. Chương trình tặng quà hỗ trợ sinh kế lần này là tặng bò giống sinh sản nhằm hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nạn nhân bom mìn còn khó khăn, sau đó luân chuyển cho các hộ gia đình nạn nhân bom mìn còn khó khăn khác.
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa cùng đại diện Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Hà Giang trao bò cho các hộ gia đình nạn nhân ảnh hưởng của bom mìn
Đúng ngày 7/7/2022, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang, Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Hà Giang, Hội Chữ thập đỏ huyện Đồng Văn và Tập đoàn TASECO đã trao tặng 10 con bò giống sinh sản cho 10 gia đình là nạn nhân bị ảnh hưởng của bom mìn có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Mỗi con bò sinh sản có giá trung bình 15 triệu/con, một số con có giá 18 triệu. Tổng giá trị 10 con bò sinh sản do Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao tặng lần này là 120 triệu đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn TASECO tài trợ, huyện Đồng Văn đối ứng 3 triệu đồng/con, một số gia đình nhận hỗ trợ sinh kế đối ứng từ 01 đến 03 triệu đồng/con.
Ông Ly Mí Ná - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ma Lé cho biết, xã Ma Lé là một xã biên giới của huyện Đồng Văn nằm cách trung tâm huyện 12 km và có 6/12 thôn biên giới với chiều dài đường biên giới 10,9 km. Toàn xã tổng số có khoảng 900 hộ với khoảng 5.000 nhân khẩu, bao gồm 5 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 85% dân số của toàn xã. Tổng số hộ nghèo trong xã chiếm trên 40%. Diện tích tự nhiên là 4,225 ha,  trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 612,45 ha, đất lâm nghiệp là 1.162,4 ha, còn lại là đất khác. Xã Ma Lé có khí hậu thời tiết khắc nghiệt với nắng hạn, rét đậm rét hại kéo dài, có tháng nhiệt độ xuống dưới  1 độ C, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Xã Má Lé là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đồng Văn. Chính vì vậy, việc hỗ trợ sinh kế cho các gia đình là nạn nhân bom mìn xã Ma Lé còn khó khăn phần nào đã góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giúp các gia đình nạn nhân vươn lên trong cuộc sống. 
Được biết, trước đó, năm 2019 tại Hà Giang, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Hòa bình Mỹ Lai (nay là Quỹ Hoa Hòa Bình Việt Nam) tổ chức trao 20 con bò giống sinh sản cho 20 gia đình tại huyện Vị Xuyên; huyện Quản Bạ và huyện Yên Minh, mỗi huyện được hỗ trợ 10 con bò giống sinh sản, với tổng kinh phí 480 triệu đồng, trong đó Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam là 240 triệu đồng và Quỹ Hòa bình Mỹ Lai là 240 triệu đồng.
 Tính đến nay, tại tỉnh miền núi Hà Giang, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã trao tổng cộng 105 con bò sinh sản và trao tặng nhiều chân tay giả, xe lăn cho nạn nhân bom mìn. Ngoài ra, Hội còn trao tặng quà hỗ trợ sinh kế, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các nạn nhân bom mìn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hải Phòng, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Cần Thơ...
Chương trình tặng quà cho các gia đình nạn nhân bom mìn do Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cùng các Chi hội, các tổ chức, cá nhân tổ chức trong những năm qua là hoạt động ý nghĩa, thiết thức nhằm hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn còn khó khăn trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng có nguồn vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Cùng với hoạt động hỗ trợ sinh kế và các hoạt động tuyên truyền của Hội, chương trình đã góp phần giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa bàn các xã biên giới của tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung nâng cao nhận thức trong việc phòng chống tác hại và khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh./.
Nhật Minh