Xã hội
Thường Xuân giảm nghèo bền vững từ vốn chính sách
02:15 PM 03/03/2021
Thường Xuân là huyện nghèo thuộc diện 30a của tỉnh Thanh Hóa có nền kinh tế nông nghiệp chậm phát triển, điều kiện tự nhiên phức tạp nên công cuộc sản xuất, lưu thông hàng hóa, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các Chương trình 134, 135, tín dụng chính sách của Chính phủ đã và đang là nguồn lực lớn giúp Thường Xuân thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Với quyết tâm chính trị cao, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, hội, đoàn thể ở Thường Xuân từ huyện đến cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch, phương án hành động về công tác giảm nghèo nhanh, bền vững. Từ chức năng nhiệm vụ được giao, NHCSXH huyện Thường Xuân đã chủ động, trực tiếp tham gia công tác giảm nghèo, thông qua việc tập trung huy động, tạo lập, tăng trưởng nguồn vốn, chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Nguồn vốn chính sách mang lại mùa màng bội thu cho người dân nơi đây


Đồng thời, nhằm tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, NHCSXH huyện đã đổi mới phương thức đầu tư, cấp tín dụng; lồng ghép việc sử dụng vốn chính sách với đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS chuyển dịch đúng hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, đơn vị đã tham mưu kịp thời cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản cụ thể để triển khai thực hiện sâu rộng Chỉ thị và thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác tín dụng chính sách làm nhiệm vụ phân bổ nguồn vốn công bằng, công khai cho các thôn xã trong huyện.
Nhờ vậy, hơn 400 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước do NHCSXH huyện Thường Xuân tổ chức thực hiện đã thực sự trở thành công cụ đắc lực trong giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM trên vùng cao tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 2015 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của NHCSXH, huyện triển khai xây dựng hàng trăm mô hình nuôi lợn, bò sinh sản, trồng cây ăn quả, ớt xuất khẩu, ngô khoai tây vụ đông đạt năng suất cao, giá trị thu nhập cao.
Chất xúc tác từ đồng vốn chính sách đã giúp gần 6.000 hộ trên toàn địa bàn tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống. Đáng chú ý ở các xã vùng đặc biệt khó khăn như: Vạn Xuân, Xuân Lộc, Xuân Cao, Xuân Thắng, Bát Mọt…, người dân đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu sang phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, với những sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế như: cam, bưởi, táo, lê ở Xuân Cẩm, Thọ Thanh, Ngọc Phung; rau củ quả sạch ở xã Xuân Dương, Xuân Lê.
Điển hình ở xã Yên Nhân, nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng, diện mạo các bản làng đã “thay da đổi thịt”, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện nay chỉ còn 12,4%, giảm 27,4% so với cuối năm 2015. Đồng vốn chính sách không chỉ góp phần giúp xã giảm nghèo bền vững mà còn tạo điều kiện cho xã Yên Nhân chuyển đổi diện tích cấy lúa, trồng sắn kém hiệu quả sang 38ha ngô lai, rau sạch có giá trị kinh tế cao. Mặt khác, đồng vốn cũng hỗ trợ cho 22 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, gần 300 lao động đến làm việc tại các công ty, nhà máy trong nước.
Cũng như Yên Nhân, ở xã Luận Thành, nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ dân đã sử dụng để phát triển kinh tế, giảm nghèo ngay tại quê hương. Anh Lang Văn Lành ở thôn Cao Tiến cho biết, trước đây, kinh tế gia đình anh rất túng thiếu, nhà cửa chưa có phải làm lều trên đồi ở. Năm 2010, anh được vay vốn chính sách xây được căn nhà mới vững chắc. Khi có nhà ở đàng hoàng, anh Lành còn được NHCSXH hỗ trợ vốn để SXKD, mua cây giống, xây chuồng trại, đào ao để trồng, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tổng hợp vườn, ao, chuồng (VAC). Bằng ý chí, nghị lực, năm 2016, anh Lành đã chính thức thoát nghèo. Tích lũy mở rộng mô hình kinh tế lên 4ha rừng keo, đàn bò 11 con, 80 con lợn nái, lợn thịt và ao gần 1000m2 thả cá nước ngọt, mỗi năm cho thu nhập khá cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Luận Thành Ngân Thị Hưởng cho biết, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, huyện, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã tạo cơ hội cho đồng bào DTTS nơi đây dựng xây cuộc sống no đủ, tươi vui.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Đỗ Văn Hoan đánh giá, tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giúp người dân vùng cao chủ động phát triển sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề nông thôn, nêu cao ý thức trồng rừng, bảo vệ rừng, làm kinh tế lâm nghiệp. Việc cho hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn chính sách đã tạo cơ hội cho huyện Thường Xuân giảm nghèo bền vững. Trước đây, Thường Xuân có tới 52% hộ nghèo, nay chỉ còn 14%. Đây là kỳ tích lớn có tác động từ chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các ban ngành, hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai việc vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi gắn với đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các vùng nghèo và các chương trình, dự án trọng điểm về xây dựng NTM và phát triển kinh tế vùng miền núi dân tộc./.

Đông Dư