Lao động
Thương lượng tập thể và Thỏa ước lao động tập thể - Vấn đề quan trọng góp phần giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công
10:54 AM 17/11/2017
(LĐXH)-Tiền lương và các chế độ đãi ngộ thấp, thái độ ứng xử với công nhân không hợp lý là một số nguyên nhân dẫn đến các vụ tranh chấp, đình công đã từng xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có cả Hà Nội.
Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những bức xúc của người lao động, giảm thiểu mầm mống đình công xảy ra, điều quan trọng là phải xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định  trong doanh nghiệp. Một trong những giải pháp quan trọng cần phải thực hiện là tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của  các chủ sử dụng lao động và NLĐ về quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và giải quyết tranh chấp lao động. Bài viết này tập trung về một số nội dung liên quan đến vấn đề thương lượng tập thể.
Gần 1.000 công nhân dự  Hội nghị đối thoại công nhân lao động các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội năm 2017 do  UBND TP Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội .
Theo Điều 66 Bộ luật Lao động, thương lượng tập thể là việc tập thể lao động thảo luận, đàm phán với người sử dụng lao động nhằm mục đích sau đây: Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; Xác lập các điều kiện lao động mới làm căn cứ để tiến hành ký kết thoả ước lao động tập thể; Giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Về thương lượng tập thể định kỳ, Điều 16 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu rõ: Thương lượng tập thể định kỳ theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 của Bộ luật Lao động được tiến hành ít nhất một năm một lần. Thời điểm tiến hành thương lượng tập thể định kỳ do hai bên thỏa thuận và Thông tư số 29/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 tiếp tục hướng dẫn chi tiết Điều 16 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP như sau: Thương lượng tập thể định kỳ được tiến hành ít nhất 1 năm/lần, khoảng cách giữa 2 lần thương lượng tập thể định kỳ liền kề tối đa không quá 12 tháng. Đại diện 2 bên thương lượng thỏa thuận về số lần, thời gian tiến hành thương lượng tập thể định kỳ hàng năm và thống nhất bằng văn bản có chữ ký của các bên tham gia để làm căn cứ tiến hành thương lượng.
Liên quan đến trách nhiệm của  tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong việc tham dự phiên họp thương lượng tập thể, Điều 17 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu rõ:
Trường hợp nhận được đề nghị bằng văn bản của một trong hai bên thương lượng tập thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố  trực thuộc Trung ương, tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương và địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm cử cán bộ tham dự phiên họp thương lượng tập thể.
Cán bộ được cơ quan, tổ chức cử tham dự phiên họp thương lượng tập thể có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thương lượng, hướng dẫn pháp luật về lao động cho người tham gia thương lượng tập thể.
Cụ thể hơn, Thông tư số 29/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 đã quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong việc tham dự phiên họp thương lượng tập thể tại Điều 17 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP như sau:
Khi nhận được văn bản đề nghị tham dự phiên họp thương lượng tập thể của một trong hai bên thương lượng tập thể thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương và ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cử người tham dự phiên họp thương lượng tập thể.
Người được cử tham dự phiên họp thương lượng tập thể yêu cầu bên có văn bản đề nghị tham dự phiên họp thương lượng tập thể cung cấp thông tin có liên quan đến nội dung phiên họp thương lượng tập thể; chuẩn bị tài liệu, tư liệu cần thiết và hướng dẫn pháp luật về lao động, hỗ trợ cho các bên tiến hành thương lượng đảm bảo nguyên tắc khách quan, tôn trọng quyền thương lượng và quyết định của các bên trong thương lượng tập thể.
Ngành Dệt may Hà Nội tổ chức Hội thảo về xây dựng, thực hiện thỏa ước lao động tập thể của ngành
Còn về vấn đề thỏa ước lao động tập thể, khoản 1 Điều 73 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.
Điều 74 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về việc ký kết thỏa ước lao động tập thể như sau1.Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động; 2. Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và: a) Có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; b) Có trên 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể ngành;c) Đối với hình thức thỏa ước lao động tập thể khác theo quy định của Chính phủ. 3. Khi thoả ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết.
Bên cạnh đó, liên quan đến người ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp tại Khoản 1 Điều 83 của Bộ luật Lao động, Điều 18 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP cũng quy định như sau: Bên tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; Bên người sử dụng lao động  là người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có sử dụng lao động  theo hợp đồng lao động.
Trường hợp người ký kết thỏa ước lao động tập thể quy định như trên không trực tiếp ký kết thỏa ước lao động tập thể thì ủy quyền hợp pháp bằng văn bản cho người khác ký kết thỏa ước lao động tập thể. Người được ủy quyền không được tiếp tục ủy quyền cho người khác ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội - phát biểu tại Hội thảo về đối thoại, xây dựng TƯLĐTT để mang lại lợi ích nhiều hơn cho NLĐ. 
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể, được quy định cụ thể trong Điều 19 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP như sau:  Lập sổ quản lý thỏa ước lao động tập thể theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định; Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thỏa ước lao động tập thể, nếu phát hiện thỏa ước lao động tập thể có nội dung trái pháp luật hoặc ký kết không đúng thẩm quyền thì cơ quan quản lý nhà nước có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, đồng thời gửi cho hai bên ký kết thỏa ước lao động tập thể biết.
Trường hợp thỏa ước lao động tập thể chưa có hiệu lực thì cơ quan quản lý nhà nước có văn bản yêu cầu hai bên tiến hành thương lượng sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể và gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định.
Theo đó, Trách nhiệm tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại Điều 19 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP  nói trên đã được  Thông tư số 29/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 nêu rõ như sau: 1. Lập sổ quản lý thỏa ước lao động tập thể theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; 2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thỏa ước lao động tập thể, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm rà soát nội dung của thỏa ước lao động tập thể, nếu phát hiện có nội dung trái pháp luật hoặc ký kết không đúng thẩm quyền thì thực hiện như sau: a) Đối với thỏa ước lao động tập thể chưa có hiệu lực thi hành, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có văn bản gửi cho các bên ký kết thỏa ước lao động tập thể yêu cầu tiến hành thương lượng sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể và gửi bản thỏa ước lao động tập thể đã được các bên thương lượng, sửa đổi, bổ sung đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định; b) Đối với thỏa ước lao động tập thể đã có hiệu lực thi hành, cơ quan quản lý nhà nước về lao động có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu, đồng thời gửi cho hai bên ký kết thỏa ước lao động tập thể biết./.
Mỹ Hạnh