Xã hội
Thực hiện quyền trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước
07:29 PM 02/09/2021
(LĐXH)- Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng miền. Do đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực hiện các quyền của trẻ em, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Một thực tế dễ nhận thấy là trong thời gian qua, công tác quản lý số trẻ em di cư theo gia đình, trẻ em có nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại ở Bình Phước còn gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện một số quyền của trẻ em như: quyền tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội, quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp, quyền được bảo vệ không bị bóc lột sức lao động theo Luật quy định… còn khó thực hiện tại một số địa phương, vùng miền.
Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn lực đối với công tác trẻ em vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình, chính sách văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đế trẻ em vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, các hoạt động về thực hiện quyền của trẻ em ở Bình Phước cũng bị hạn chế, trong đó hoạt động vui chơi giải trí, giáo dục đào tạo bị ảnh hưởng rất lớn. Các hoạt động chủ yếu thực hiện bằng hình thức trực tuyến hoặc khuyến khích trẻ em vui chơi tại nhà, hướng dẫn khai thác thông tin bổ ích, phù hợp trên không gian mạng…

Niềm vui của trẻ em dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước khi được quan tâm chăm sóc chu đáo

Nhằm đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em nói chung, thực hiện quyền trẻ em nói riêng, tỉnh Bình Phước đã tăng cường các biện pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; giải quyết các vấn đề về trẻ em; bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em. Đồng thời, lồng ghép chỉ tiêu về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn; quan tâm xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ. Trong đó, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức thực hiện quyền trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được phối hợp, tổ chức thực hiện lồng ghép kịp thời, hiệu quả.
Nhờ đó, việc thực hiện các quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em tại tỉnh tương đối đầy đủ, trách nhiệm quản lý Nhà nước về trẻ em ngày càng được nâng cao. Các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện Luật trẻ em và các chương trình tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về thực hiện quyền trẻ em có những chuyển biến rõ nét.
Đặc biệt, hoạt động truyền thông vận động xã hội, thúc đẩy phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” được thực hiện có hiệu quả. Việc hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo và các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc. Tất cả các vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích đều có sự phát hiện, can thiệp của chính quyền địa phương các cấp.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Phước, tính đến cuối tháng 8/2021, 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em như đăng ký khai sinh, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, học tập…
Tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 99,6%. Tỷ lệ các xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em do cấp xã, phường, thị trấn quản lý đạt 100%. Trên 96% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và cơ hội phát triển. Tỷ lệ trẻ em được khai sinh đúng hạn đạt 98,98%. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm xuống mức dưới 2% trên tổng số trẻ em. Toàn tỉnh có 115.014 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Tặng quà cho trẻ dân tộc thiểu số huyện biên giới Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) vào tháng 4/2021

Tiếp đó, công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại các địa phương tiếp tục duy trì hiệu quả. 100% huyện,thị xã, thành phố và 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; duy trì 111/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THCS; 15/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập THPT.
Mặc dù việc thực hiện quyền trẻ em đã được Bình Phước nỗ lực thực hiện, song vẫn còn tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê từ ngày 01/7/2020 đến cuối tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh có tổng số 40 trẻ em bị xâm hại (trong đó, 6 tháng đầu năm 2021 có 13 trẻ em bị xâm hại). Số trẻ em bị xâm hại chủ yếu là bị xâm hại về tình dục, gồm: 11 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi, 26 vụ giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, 03 vụ dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Cũng trong thời gian này, mặc dù Bình Phước không xảy ra hình thức cướp, cướp giật tài sản, giết người, bắt giữ người trái pháp luật mà bị hại là trẻ em như các giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, tỉnh vẫn có 19 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích…
Để khắc phục một số hạn chế nêu trên, đồng thời thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc thực hiện quyền của trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao kiến thức, xây dựng ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình về việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong công tác trẻ em, trong đó xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thực hiện tốt Chương trình hành động vì trẻ em và các chương trình khác liên quan đến trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Chí Tâm