Xã hội
Thực hiện quyền tham gia của trẻ em ngay tại gia đình
03:06 PM 25/12/2019
(LĐXH) Gia đình là nơi an toàn nhất đối với trẻ em, là môi trường tự nhiên cho sự phát triển và đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách của trẻ em. Vì thế, việc trẻ em được nói lên ý kiến của mình, được lắng nghe và tôn trọng ngay tại gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.



Có một thực tế là, cha mẹ rất yêu thương, chiều chuộng con cái mình, tuy nhiên việc tôn trọng, lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em lại chưa được các bậc phụ huynh quan tâm đúng mức.
Tại một Hội thảo “Quyền tham gia của trẻ em trong gia đình và vai trò của cha mẹ” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức,  Phó Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Nga cho rằng, mặc dù nhận thức của cha mẹ về quyền trẻ em đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về quyền tham gia của trẻ. Vì thế mà trong gia đình, việc trẻ em được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định bị xem nhẹ. Sự bận rộn của cha mẹ đối với công việc xã hội cũng khiến nhiều bậc cha mẹ không có thời gian để trò chuyện, lắng nghe ý kiến, tâm sự của con em mình.
Cùng quan điểm, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Lê Thị Lam Hương nêu thực tế trong nhiều gia đình, cha mẹ chưa dành thời gian chơi với con, lắng nghe con nói; phó mặc hoàn toàn con cái cho nhà trường, ông, bà hoặc người giúp việc... với lý do phổ biến là bận. Từ chỗ ít hoặc không lắng nghe con, dần sẽ không hiểu con, không biết con nghĩ gì, muốn gì và làm gì, dẫn đến ít và khó chia sẻ với con khiến trẻ dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực. “Hãy lắng nghe trẻ em nói, tôn trọng ý kiến của trẻ, thông tin, giải thích kịp thời đối với trẻ em. Khi cha mẹ thực hiện được những điều này là đã thực hiện tốt quyền tham gia của trẻ em ngay trong chính gia đình của mình”, chị Hương nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh quyền tham gia của trẻ trong gia đình thì giữa cha mẹ và con cái
phải thường xuyên có sự trao đổi, chia sẻ trên cơ sở yêu thương và tôn trọng
Đề cao vai trò của gia đình trong thực hiện quyền tham gia của trẻ em, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Hướng Dương cũng cho rằng, để đẩy mạnh quyền tham gia của trẻ trong gia đình thì giữa cha mẹ và con cái, vợ và chồng, người cao tuổi và con cháu trong gia đình phải thường xuyên có sự trao đổi, chia sẻ thông tin trên cơ sở yêu thương và tôn trọng. Các bậc cha mẹ cần được truyền thông, vận động để nâng cao nhận thức và hiểu biết về các quyền trẻ em, con cái cũng có quyền tham gia, có tiếng nói vào các công việc trong gia đình, hay việc tham gia các hoạt động, khóa học phù hợp với khả năng và mong muốn của mình.
Từ thực tế ở cơ sở, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Thu Thanh chia sẻ về các mô hình câu lạc bộ, nhóm cha mẹ huy động được khá đông các ông bố tham gia, trở thành diễn đàn để chia sẻ kiến thức, cách làm hay, có hiệu quả trong chăm sóc và giáo dục trẻ.
Gia đình là môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của trẻ em đồng thời có vai trò quan trọng hình thành những phẩm chất của một công dân tương lai. Trong gia đình, mọi quyết định của cha, mẹ không chỉ ảnh hưởng ngay đến trẻ khi quyết định đó thực hiện mà còn ảnh hưởng tới cách hiểu của trẻ về việc lắng nghe người khác và làm thế nào để giải quyết xung đột về lợi ích. Vì vậy, phương pháp và cách thức giáo dục của gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ em. Liên hợp quốc luôn khuyến khích cha mẹ cùng với con cái giải quyết vấn đề về các quyền của trẻ em “…một cách phù hợp với khả năng tư duy của trẻ em”. 
Pháp luật đã đưa ra những nguyên tắc chung liên quan đến việc nghiêm cấm bạo lực đối với trẻ em và quy định các hành vi bạo lực có thể bị nghiêm cấm. Trong trường hợp, cha mẹ có các hành vi bạo lực đối với con thì tùy từng mức độ vi phạm có thể bị hạn chế quyền của cha mẹ, bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu theo các quy định của Bộ luật hình sự.
Như vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định khá đầy đủ trách nhiệm của cha mẹ trong việc bảo đảm quyền của trẻ em nói chung và quyền tham gia nói riêng. Tuy nhiên, các nhà làm luật Việt Nam đang còn lúng túng trong việc xác định gianh giới giữa việc áp dụng các biện pháp giáo dục của gia đình với các hình thức bị pháp luật cấm. Một thực tế hiện nay cho thấy, việc tham gia của trẻ em trong gia đình và nhà trường vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của truyền thống văn hoá Á đông khi coi ý kiến của người lớn tuổi hay “bề trên” là “tối thượng”, là luôn luôn đem lại những điều tốt đối với người ít tuổi và đặc biệt là trẻ em, do vậy, trẻ em buộc phải tuân thủ. Công trình nghiên cứu về sự xâm hại trẻ em do Viện Nghiên cứu thanh niên của đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tiến hành về những hình phạt của cha mẹ đối với con cái họ cho thấy trẻ em Việt Nam thường hay bị phạt trước rồi sau đó mới được phép trình bày cho cha mẹ biết nguyên nhân sự việc xảy ra như thế nào (72,4 %). Gần 10% trẻ em bị cha mẹ phạt mà trước đó hay sau đó không có một cách nào để giải thích cả (9,5%).
Mỹ Linh