Lao động
Thực hiện các chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở Hải Dương: Kết quả và những khó khăn, thách thức
04:38 PM 22/06/2018
(LĐXH)-Tỉnh Hải Dương có diện tích 1.656 km2 , dân số là 1.763.214 người, trong đó có 1.074.316 người trong độ tuổi lao động, chiếm tỷ lệ 61% dân số toàn tỉnh. Hàng năm, tỉnh Hải Dương có khoảng 34.000 lao động cần giải quyết việc làm mới, chủ yếu là số người bước vào độ tuổi lao động; học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ra trường… Do vậy, công tác giải quyết việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.
Những kết quả đạt được
Để triển khai công tác việc làm giai đoạn 2016-2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra Nghị quyết dịch chuyển cơ cấu lao động đến năm 2020: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: 27%; công nghiệp, xây dựng: 42%; dịch vụ: 31%. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành: Chương trình việc làm giai đoạn 2016-2020 ngày 06/01/2016; Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 15/01/2016 về tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; Quyết định số 1053/QĐ-UBNĐ ngày 03/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Bên cạnh đó, ngày 09/6/2016, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương và Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương đã có Quy trình phối hợp thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung trong chương trình: Vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; Hỗ trợ phát triển thị trường lao động; Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Qua triển khai thực hiện đã đạt được các mục tiêu theo kế hoạch.
Trong giai đoạn từ 2015-2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương  tổ chức 188 phiên giao dịch việc làm thu hút 3.729 doanh nghiệp tham gia
Qua công tác chỉ đạo triển khai thực hiện, từ năm 2015-2017, toàn tỉnh đã giải quyết và tạo việc làm mới cho 94.664 lao động, trong đó xuất khẩu lao động được: 16.588 lao động; các cơ quan chức năng phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay số tiền 93.719triệu đồng, thu hút 3.305 dự án và tạo việc làm mới cho 3.338 lao động; Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương  tổ chức 188 phiên giao dịch việc làm thu hút 3.729 doanh nghiệp tham gia, số người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại sàn giao dịch là 14.759 người.
Tính đến thời điểm 31/12/2017, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 380 doanh nghiệp (trong đó có 267 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sử dụng 2328 lao động là người nước ngoài, 234 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp sử dụng 1458 lao động nước ngoài; 146 doanh nghiệp trong khu công nghiệp sử dụng 870 lao động nước ngoài  với 31 quốc tịch, chủ yếu đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Người lao động người nước ngoài chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức hợp đồng lao động hoặc di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp. Số lao động người nước ngoài là nhà quản lý chiếm 12%, giám đốc điều hành chiếm 13%, chuyên gia chiếm 23% và  lao động kỹ thuật chiếm 52%. (Theo phụ lục số 1 kèm theo)
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Từ năm 2015 - 2017, toàn tỉnh có 22.470 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; số người thất nghiệp có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng là 21.951 người với tổng số tiền 218,58 tỷ đồng; số người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm là 23.134 người.
Khó khăn và thách thức
Tại Hải Dương, cơ cấu ngành nghề được đào tạo của lực lượng lao động
chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở Hải Dương còn gặp một số những khó khăn, vướng mắc, đó là: Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp chưa thường xuyên, nhất là ở cơ sở. Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu của thị trường lao động. Cơ cấu ngành nghề được đào tạo của lực lượng lao động chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Tình trạng lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học dư thừa chiếm tỷ lệ cao, dẫn đến sinh viên ra trường không thể tìm kiếm được việc làm, trong khi đó doanh nghiệp lại rất cần công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động tại địa phương còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn chỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu thông tin thị trường ngày càng cao của doanh nghiệp và người lao động, cũng như việc hoạch định chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của các Trung tâm, phát triển hoạt động của sàn giao dịch việc làm, mở rộng công tác điều tra thu thập, xử lý thông tin thị trường lao động hàng năm. Hoạt động của một số Trung tâm Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiệu quả còn thấp. Chưa kết nối được giữa đào tạo nghề và yêu cầu cung ứng lao động giữa người lao động cần việc và doanh nghiệp cần lao động.
Nhu cầu vay vốn tạo việc làm và chuyển đổi nghề của người lao động càng ngày càng cao, tuy nhiên nguồn vốn cho Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm của tỉnh hạn hẹp, vì vậy không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân.
Văn bản quy phạm pháp luật về quản lý lao động là người nước ngoài thường xuyên sửa đổi, bổ sung, một số nội dung quy định chưa phù hợp dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chậm ban hành quyết định nghỉ việc, thanh lý hợp đồng lao động, chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, dẫn đến việc hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động còn nhiều khó khăn.
Chưa có hệ thống phần mềm quản lý lao động kết nối cơ sở dữ liệu với Bảo hiểm xã hội để tra cứu các dữ liệu trong quá trình giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Cán bộ làm công tác giải quyết việc làm ở các xã, phường, thị trấn đa số kiêm nhiệm, không chuyên trách, chưa được thường xuyên nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ.
Giải pháp đặt ra
Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở Hải Dương trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bổ sung thêm nguồn vốn cho Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm của tỉnh theo Kế hoạch vốn vay đã được Sở Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng hàng năm.
- Đề nghị Cục Việc làm báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hỗ trợ thêm kinh phí đầu tư cho các hoạt động giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, phát triển hoạt động của sàn giao dịch việc làm, mở rộng công tác điều tra thu thập, xử lý thông tin thị trường lao động hàng năm
- Hoàn thiện, nâng cấp phần mềm thông tin thị trường lao động để việc khai thác sử dụng có hiệu quả. Có thể phân cấp cho cấp huyện, cấp xã khai thác sử dụng thông tin thị trường lao động.
- Có phần mềm quản lý lao động kết nối cơ sở dữ liệu với Bảo hiểm xã hội để tra cứu trong quá trình giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
- Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về lao động, việc làm.
- Nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác lao động, việc làm ở các cấp để đáp ứng được nhu cầu công việc trong giai đoạn mới./.
PV