Lao động
Thúc đẩy việc làm thỏa đáng: Cơ hội và thách thức
09:56 AM 11/03/2021
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đánh giá cuối kỳ về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2017- 2021 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với ILO Việt Nam tổ chức ngày 10/3 tại Hà Nội.
Việc làm thỏa đáng và các trụ cột về tạo việc làm, ASXH, quyền tại nơi làm việc và đối thoại xã hội đã trở thành những thành phần không thể thiếu của Chương trình nghị sự về Phát triển Bền vững 2030. Ở Việt Nam, việc làm thỏa đáng từ lâu đã được xem là một cấu phần của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Chương trình Quốc gia về Việc làm thỏa đáng xác định 3 ưu tiên gồm: Thúc đẩy việc làm bền vững và tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh bền vững; giảm đói nghèo thông qua việc mở rộng diện bao phủ ASXH tới tất cả mọi người và giảm các hình thức việc làm không thể chấp nhận được, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất; xây dựng cơ chế quản trị thị trường lao động hiệu quả tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và quyền trong lao động. Chương trình quốc gia về việc làm thỏa đáng đã đạt được một số thành quả về xây dựng quan hệ lao động Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Bộ luật Lao động năm 2019 đã cải thiện khung pháp lý về quan hệ lao động khi mở rộng vai trò của các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động… Tuy nhiên, để đảm bảo việc làm thỏa đáng cho NLĐ cần nhiều hơn thế, không chỉ là các quy định, chính sách lao động.
Theo ông Lê Duy Bình- Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn về quản lý kinh tế (Economica Vietnam), việc làm thỏa đáng có được hay không cần sự tham gia của nhiều bộ ngành mà tưởng chừng như không liên quan đến lao động, việc làm. Trong khi đó, sự đóng góp, quan tâm trực tiếp đến vấn đề này dường như còn hạn chế và cần sự tham gia tích cực hơn nữa của các Bộ, ngành trong thời gian tới. Đơn cử, các quy định của Bộ Công an về hộ khẩu dường như không liên quan đến việc làm thỏa đáng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến ASXH, việc làm...  của NLĐ và Bộ Công an đã sửa đổi các quy định về hộ khẩu, các chính sách này đã hỗ trợ hiệu quả cho lao động di cư.
Thúc đẩy việc làm thoả đáng gắn liền với tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh bền vững. Đặc biệt là trong bối cảnh 54,7% lực lượng lao động không chính thức thuộc lĩnh vực không xác định (tự do), kinh tế cá thể, không có quan hệ lao động... “Các chương trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp có ý  nghĩa rất lớn trong việc tạo ra những việc làm thoả đáng thông qua việc tăng cường chính thức hoá việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động chính thức tại Việt Nam. Điều này cũng đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành tại Việt Nam”- ông Lê Duy Bình nói.
Còn theo bà Trần Thị Hồng Liên, đại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, gốc rễ của việc làm nằm ở việc phát triển các doanh nghiệp, trong đó thúc đẩy quá trình khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển. Do đó, Chính phủ có các chương trình chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động.
Hiện nay, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tăng cường tính bền vững, tăng trưởng bao trùm. Con đường hướng tới đạt được những mục tiêu này đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng không tránh khỏi thách thức. Các hiệp định thương mại tự do mang lại tiềm năng rất lớn có thêm nhiều việc làm trực tiếp và là động lực tạo ra nhiều cơ hội về việc làm thỏa đáng hơn. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu với 17 hiệp định tự do thương mại (FTA) đã ký kết và đang đàm phán 2 hiệp định FTA. Điều này không chỉ tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm mà còn có ý nghĩa rất lớn khi thay đổi tính chất việc làm của Việt Nam. Việc làm mới sẽ có những thay đổi về yêu cầu về kỹ năng nghề, tiêu chuẩn đối với cả NLĐ và doanh nghiệp. Đây là thách thức rất lớn trong thời gian tới, đòi hỏi phải có những chiến lược mới trong chương trình việc làm thỏa đáng.
TS.Chang-Hee Lee- Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh những thách thức về việc làm thỏa đáng từ nay trở đi sẽ không còn là những thách thức mà Viêt Nam đã đối mặt trong 20 năm qua. Do đó, cần phải thay đổi cách tiếp cận để giải quyết các thách thức không chỉ ở hệ thống pháp luật mà còn là nhận thức, thực thi pháp luật. Cải thiện năng suất lao động phải chuyển sang tiến trình mới đảm bảo việc làm chất lượng cao. Cải thiện về kinh tế phải đi kèm với cải thiện ASXH. Việc làm thỏa đang phải mang lại sự thay đổi cho mọi người dân. “Đảm bảo việc làm bền vững và thỏa đáng cho mọi người, thông qua những tiến bộ về nâng tầm kỹ năng, ASXH toàn dân và quan hệ lao động hiệu quả sẽ là một phần không thể thiếu của chiến lược. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tiếp theo mà Việt Nam đang hoàn thiện, bởi đây là một yếu tố chính thúc đẩy chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường tăng trưởng bền vững và toàn diện hướng tới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao”- Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.
N.K
Nam Khánh