Xã hội
Thúc đẩy nghề Công tác xã hội giúp người dân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội
02:40 PM 29/01/2019
(LĐXH) - Tại tỉnh Ninh Thuận, trước nhu cầu sử dụng các dịch vụ xã hội, trợ giúp xã hội của người dân, mục tiêu trước mắt và dài hạn tỉnh hướng tới là đưa các hoạt động liên quan đến Đề án Phát triển Nghề CTXH đi vào chiều sâu, tiến tới phấn đấu hình thành được một hệ thống chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ CTXH cho người dân, hình thành được đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên chuyên nghiệp.

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 14.251 người đang hưởng trợ cấp xã hội, gồm 172 trẻ em mồ côi dưới 16 tuổi, mất nguồn nuôi dưỡng; 13 người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; 917 người đơn thân nghèo nuôi con; 7.307 người cao tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng; 5.842 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Trong khi số đối tượng cần sự trợ giúp xã hội lớn thì mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH) ở Ninh Thuận chủ yếu mới hình thành ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với 07 cơ sở bảo trợ xã hội (3 cơ sở công lập và 4 cơ sở ngoài công lập) đang nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung 276 đối tượng. Trước nhu cầu sử dụng các dịch vụ xã hội, trợ giúp xã hội của người dân, mục tiêu trước mắt và dài hạn tỉnh Ninh Thuận hướng tới là đưa các hoạt động liên quan đến Đề án Phát triển Nghề CTXH đi vào chiều sâu, tiến tới phấn đấu hình thành được một hệ thống chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ CTXH cho người dân, hình thành được đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên chuyên nghiệp.

Nhu cầu tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội trong cộng đồng ngày càng lớn (Ảnh minh họa)

Trong năm 2018, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở ngành để đẩy mạnh truyền thông và phổ biến pháp luật về CTXH và phát triển nghề CTXH, đặc biệt là chương trình, nội dung đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên CTXH; phát triển mạng lưới nhân sự và mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Các sở ngành, đơn vị có liên quan trong thực hiện Đề án Phát triển Nghề CTXH đã tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động trong chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và hỗ trợ tư vấn, tham vấn cho các đối tượng sống tại các đơn vị khi cần trợ giúp kịp thời, chuyển tuyến trợ giúp xã hội đúng quy định, từ đó giúp các đối tượng có động lực, hòa nhập cộng đồng, ổn định và phát triển cuộc sống.

Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ CTXH có trình độ chuyên môn trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn nâng cao năng lực CTXH cho 115 viên chức, nhân viên thuộc Tổ CTXH tại các Bệnh viện, Trung tâm; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn nâng cao năng lực CTXH học đường cho 285 lãnh đạo, Bí thư Đoàn trường, Tổng phụ trách trường; tập huấn nâng cao năng lực cho 190 người là thân nhân người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng; tập huấn nâng cao năng lực cho 44 đại biểu là lãnh đạo, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH xã, phường, thị trấn; tập huấn nâng cao năng lực CTXH đối với các đối tượng yếu thế theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP với sự tham gia của 373 đại biểu; phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tập huấn tăng cường năng lực cán bộ cấp xã, huyện triển khai thực hiện Nghị định số 136 và các văn bản hướng dẫn cho công chức phụ trách lĩnh vực bảo trợ xã hội các cấp cho 220 người. Tiến hành tiếp cận, can thiệp và xem xét lập hồ sơ để tham vấn tại chỗ hoặc chuyển đến các trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội đối với những trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp như nạn nhân mua bán người, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bỏ rơi không còn người thân chăm sóc, người lang thang xin ăn, người nghiện ma túy đang cai nghiện tại cộng đồng,…Tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho những đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp tại cộng đồng và các đối tượng tiếp nhận tại cơ sở cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, theo dõi, họp giao ban định kỳ hàng tháng cộng tác viên CTXH cấp xã để đánh giá thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh. Điều tra, rà soát, phân loại cán bộ, viên chức, cộng tác viên CTXH, các đối tượng và dịch vụ CTXH để lập kế hoạch đào tạo, đào tạo lại về CTXH, nâng cao năng lực. Tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH.

Các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công tác xã hội được quan tâm tổ chức thường xuyên và hiệu quả

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế, đội ngũ cán bộ tham gia làm nghề công tác xã hội còn rất mỏng, thiếu chuyên nghiệp, phần lớn đều đang kiêm nhiệm chức danh khác ở địa phương, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm. Toàn tỉnh chỉ có 32/65 xã, phường, thị trấn có cộng tác viên CTXH hoạt động, nhiều cộng tác viên sau một thời gian tham gia đã xin nghỉ hoặc chuyển công tác khác. Để đội ngũ cán bộ CTXH an tâm cống hiến cho nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND tỉnh xem xét cấp thẻ hoạt động và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho cộng tác viên công tác xã hội, đồng thời, đề nghị UBND tỉnh quan tâm nâng mức hỗ trợ kinh phí cho cộng tác viên CTXH xã, phường, thị trấn từ hệ số 1.0 lên hệ số 1.5 mức lương cơ sở, trong đó hệ số 1.0 mức lương cơ sở thực hiện theo Thông tư số 07/2013/TT-BLĐTBXH ngày 24/5/2013 của Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội và ngân sách tỉnh hỗ trợ hệ số 0.5 mức lương cơ sở.

Trần Huyền