Xã hội
Thúc đẩy hoạt động Ban Công tác người khuyết tật tại các địa phương
06:48 PM 12/12/2018
LĐXH - Nhằm định hướng phát triển và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của Ban công tác người khuyết tật các tỉnh/thành phố, ngày 12/12, tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Tổ chức Caritas tổ chức Hội thảo Tăng cường vai trò của cơ quan điều phối cấp tỉnh và cấp huyện trong phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng.

“Hội thảo là cơ hội để các tỉnh tăng cường chia sẻ hiểu biết, nhận thức về PHCN dựa vào cộng đồng tại Việt Nam và thế giới để tiến tới đạt được sự thống nhất chung về quan điểm, nguyên tắc, nội dung; chia sẻ các bài học kinh nghiệm, thực hành tốt và bằng chứng về PHCN dựa vào cộng đồng theo các nhóm chuyên đề tại Việt Nam”, đây là chỉ đạo của TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

TS. Tô Đức phát biểu chỉ đạo hội thảo

05 trọng tâm hoạt động của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam được xác định là thể chế và thực thi chính sách; thông tin truyền thông; phát triển năng lực điều phối; hợp tác quốc tế; xã hội hóa các chương trình, hoạt động của/vì NKT. Trong đó, phát triển năng lực điều phối bao hàm cả việc thúc đẩy thành lập ban vận động hay còn gọi là Ban công tác về NKT và tăng cường các hoạt động điều phối của ban này. Tại Quyết định 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật có quy định UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình cụ thể của địa phương thành lập Ban Công tác về NKT. Ngày 7/7/2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Công văn 2534 về việc thực hiện Quyết định 1100. Đến nay, cả nước có 34 tỉnh, thành phố thành lập Ban Công tác NKT; 63 tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020.

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Phú Yên chia sẻ một số chương trình, hoạt động về người khuyết tật của địa phương trong thời gian qua

Tại hội thảo đại diện các địa phương như Phú Yên, Lâm Đồng, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế đã chia sẻ tổng quan tình hình của địa phương và thảo luận rõ hơn một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của Ban Công tác về NKT tại địa phương. Về cơ bản, các địa phương đã có sự quan tâm đặc biệt đối với NKT với nhiều chương trình hoạt động, nhất là cập nhật thông tin về Luật NKT và các đề án, chính sách của các Bộ ngành có liên quan đến đối tượng, đồng thời, tổ chức các mô hình sinh kế cho NKT, vận động các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội chăm lo, thúc đẩy hòa nhập toàn diện cho NKT. Song, đến nay, nhận thức về vấn đề NKT nói chung cũng như PHCN cho NKT nói riêng trong xã hội vẫn còn chưa đầy đủ. Công tác phối hợp liên ngành tại Ủy ban Quốc gia về NKT và tại các Ban công tác về NKT tại các địa phương còn thiếu tính chặt chẽ và chưa cho chiến lược lâu dài xuyên suốt.

Đại diện các ban ngành, tổ chức quốc tế cũng tham gia phản biện, đề xuất một số vấn đề liên quan

Trên thực tế, theo ông Hoàng Thanh Linh, Tư vấn Quốc gia của Caritas, nhận diện về vấn đề PHCH cho NKT vẫn còn nhiều bất cập vì vẫn thiên về can thiệp y tế và vẫn còn nhiều rào cản đối với NKT. Nếu như quan điểm toàn diện về hòa nhập xã hội gồm 05 thành tố: Giáo dục - Y tế - Sinh kế - Đời sống xã hội  - Trao quyền, thì rõ ràng NKT chưa được tạo cơ hội để hòa nhập thật sự.

Nhằm tăng cường vai trò của Ủy ban Quốc gia về NKT và mạng lưới, gồm cả Ban Công tác NKT các cấp, tổ chức của/vì NKT, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, chuyên gia... ông Phạm Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội (Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) đề xuất nhiều ý kiến, trong đó có việc lồng ghép vấn đề NKT vào 04 nội dung là Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi Người có công, Luật Giáo dục và Luật Kiến trúc; Lồng ghép điều tra khuyết tật trong Cencus 2019; Sửa đổi Thông tư Liên tịch 37 về xác định mức độ khuyết tật; Gia tăng giá trị trang tin NCD (thí điểm dịch tin cho người khiếm thính, khiếm thị các tài liệu truyền thông chiến lược); Xây dựng Đề án tổ chức Diễn đàn quốc gia về NKT vào năm 2020... Các đề xuất này cũng trùng với các kiến nghị của các ban, ngành, địa phương trên cơ sở bám sát thực trạng của NKT từ đời sống, nhu cầu học nghề, việc làm, các tiện ích xã hội, cung cấp dịch vụ cho NKT.

Hội thảo cũng là dịp để các địa phương cùng chia sẻ hiểu biết về phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Phó Cục trưởng Tô Đức nhấn mạnh thêm để tăng cường hiệu quả hoạt động, Ban Công tác NKT các tỉnh/thành phố phải có quy chế, kế hoạch hoạt động cụ thể và đảm bảo trách nhiệm của từng cá nhân trong Ban công tác, đồng thời các tỉnh cần bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động./.

Nguyễn Đăng Doanh