Giáo dục - Nghề nghiệp
Thúc đẩy giáo dục bền vững trong kỷ nguyên số
08:26 PM 07/10/2021
(LĐXH) Hội thảo “Hội nhập giáo dục bền vững trong kỷ nguyên số” vừa được tổ chức dưới sự phối hợp của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua nền tảng Zoom và livestream trên Facebook. Hội thảo đã thu hút sự tham gia và hưởng ứng của rất nhiều thanh niên và trí thức trẻ trên khắp cả nước.
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ, kết nối, và thúc đẩy giáo dục phát triển bền vững, bao gồm những sáng kiến về khoa học-công nghệ, hợp tác quốc tế, và sức khoẻ tinh thần. Tại hội thảo, các trí thức trẻ đã trình bày tham luận của mình, và cùng thảo luận dưới sự điều phối của PGS. TS. Nguyễn Tiến Trung về những giải pháp khuyến khích học sinh, sinh viên tận dụng công nghệ để tự học và chủ động tiếp cận kiến thức bên ngoài sách vở. Đồng thời, các diễn giả cũng trao đổi về cách tận dụng và đào tạo nguồn lực trí thức trẻ trong lĩnh vực sư phạm vì sự nghiệp phát triển giáo dục bền vững. 
Trong bản tham luận “Cập nhật xu hướng Edtech trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam”, ThS. Kim Ngọc Minh đã trình bày nhiều khái niệm nổi bật liên quan đến chủ đề Edtech (Công nghệ giáo dục), trong đó có thể kể đến trí tuệ nhân tạo và e-learning (học online). Hiện nay, các học sinh, sinh viên có thể sử dụng các thiết bị thông minh của mình để có thể lấy tài liệu trên cổng thông tin của trường mình hoặc các trường khác. Điều này mang lại cơ hội học tập mở rộng cho các học sinh, sinh viên. Tuy vẫn còn một số thách thức và khó khăn để phát triển tại thị trường Việt Nam, Edtech hứa hẹn sẽ trở thành xu thế giáo dục mới, thay đổi phong cách dạy và học truyền thống trong thời gian tới.

ThS. Kim Ngọc Minh chia sẻ về các xu hướng giáo dục hiện tại

Về lĩnh vực xuất bản, ThS. Phạm Đình Bảng đề cập đến sự thay đổi của tài liệu học tập để tối đa hoá hiệu quả cho học sinh trong thời đại hiện nay với tham luận “Chuyển đổi số ở lĩnh vực xuất bản từ ảnh hưởng của việc học trong tương lai”. Theo ông, chuyển đổi số ở lĩnh vực xuất bản phải hướng tới sự thoải mái, dễ tiếp cận, và khuyến khích khả năng tự học cho mọi đối tượng học sinh, đặc biệt ở các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 
Cũng trong phiên hội thảo, bà Nguyễn Thị Mơ đã trình bày tham luận về “Hợp tác quốc tế đối với giáo dục đại học trong thời kỳ hội nhập.” Trong bối cảnh hiện nay, nhiều học sinh và phụ huynh đang cân nhắc giữa việc “du học” và “du học tại chỗ.” Các trường Đại học ở Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để xây dựng những chương trình quốc tế có chi phí và chất lượng cạnh tranh để thu hút sự quan tâm của các học sinh, sinh viên. 
Bên cạnh việc khái quát chương trình phát triển giáo dục bền vững hiện tại, ông Nguyễn Viễn Thông đã đóng góp một số sáng kiến để thúc đẩy sự phát triển giáo dục toàn diện tại Việt Nam. Trong đó, ông cho rằng việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực giảng dạy phát triển bền vững cho giáo viên nên là ưu tiên hàng đầu, song song với đó là cải tiến chương trình giáo dục phổ thông và xây dựng cộng đồng. Những giải pháp ấy được cho là góp phần tạo ra một hệ sinh thái sư phạm bền vững, toàn diện, và chính quy trong tương lai. 

Các diễn giả trả lời câu hỏi của khán giả trong phiên thảo luận

Một lĩnh vực luôn song hành cùng giáo dục phát triển bền vững là sức khoẻ tinh thần. Trong bản tham luận của mình, ThS. Lại Vũ Kiều Trang đã nhấn mạnh những cơ hội để phát triển dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh tại Việt Nam. Bên cạnh những thách thức liên quan đến nguồn lực và trang thiết bị, chăm sóc sức khoẻ tâm lý online sẽ là một giải pháp bền vững để học sinh tiếp cận dịch vụ, nâng cao nhận thức, và chủ động chăm sóc sức khoẻ của mình. Cuối bản tham luận, ThS. Lại Vũ Kiều Trang cũng đề xuất một số giải pháp như tăng cường nguồn lực chuyên môn, phát triển mô hình dịch vụ, và nâng cấp cơ sở hạ tầng trực tuyến.
Sau khi lắng nghe và thảo luận cùng các khách mời xuyên suốt phiên thảo luận, PGS. TS. Nguyễn Tiến Trung khẳng định: “Những sáng kiến của các diễn giả đều mang tính đổi mới và thiết thực cao. Các trí thức trẻ cần chủ động nắm bắt cơ hội để từng bước đóng góp vào sự nghiệp giáo dục phát triển bền vững của đất nước.” 
Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu diễn ra vào tháng 11 tới đây. Khán giả có thể theo dõi thông tin về các hội thảo sắp tới và đăng ký tham dự thông qua link sau: trithuctrevietnam.vn
Khánh Linh