Lao động
Thừa Thiên Huế: Trên 2.500 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong Quý I/2023
02:09 PM 04/04/2023
(LĐXH) – Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế có 8.719 lượt người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (tăng 16,1% so với năm 2021). Trong đó, có 8.388 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 141.256 triệu đồng; Có 578 lượt người có quyết định hỗ trợ học nghề với số tiền chi hỗ trợ học nghề là 2.926 triệu đồng; 9.413 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, trong tháng 3/2023, toàn tỉnh đã giải giải quyết 1.400 người lao động, đưa 33 người đi lao động làm việc nước ngoài. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho 3.705 người lao động, đạt 21.79% so với chỉ tiêu kế hoạch năm, đạt 110 % so với cùng kỳ năm trước; trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 544 người, đạt 27.2 % so với kế hoạch năm.

Lớp May công nghiệp dành cho người lao động

Nhằm phát triển thông tin thị trường lao động và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL), tỉnh còn tập trung triển khai đồng bộ công tác truyền thông, tuyên truyền; với nội dung và những cách thức phù hợp: Thông tin, tuyên truyền trên đài phát thanh TRT qua sóng FM, thông qua tờ rơi, tờ gấp, qua các Hội nghị, qua trang thông tin điện tử của Sở, qua Facebook và Website việc làm của Trung tâm. Trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có 384.000 lượt người truy cập Website việc làm Huế; 1.906 lượt người thu thập thông tin người tìm việc; 1.675 lượt người làm việc tại sàn GDVL, trực tiếp tại Trung tâm; 231 lượt người truy cập qua Website, trang mạng xã hội với 15.654 vị trí việc làm trống; 12.488 vị trí việc làm tại sàn GDVL, trực tiếp tại Trung tâm; 3.166 vị trí việc làm qua Website, trang mạng xã hội...

Riêng trong Quý I/2023, Trung tâm DVVL tỉnh đã tiếp nhận 2.517 lượt hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, có 2.523 lượt người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí 44.745 tỷ đồng; 190 lượt người có quyết định hỗ trợ học nghề với số tiền chi hỗ trợ học nghề là trên 1,13 tỷ đồng; 2.878 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 488 lượt lao động được giới thiệu việc làm thành công. Được biết, nguyên nhân thất nghiệp của người lao động tập trung chủ yếu do hết hạn hợp đồng lao động hoặc hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 92%); do daonh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản (chiếm 3%); do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 1%) và do nguyên nhân khác (chiếm 4%).

Đặc biệt, Trung tâm còn tổ chức Phiên giao dịch việc làm đầu xuân Quý Mão 2023 với sự tham gia của 28 doanh nghiệp và gần 4.000 vị trí việc làm cả trong nước và ngoài nước cần tuyển dụng. Trong đó có 17 đơn vị tuyển dụng việc làm trong nước, 9 đơn vị tuyển dụng đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài (các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hunggary, Rumani…) và 2 đơn vị tuyển sinh.

Trung tâm DVVL tỉnh Thừa Thiên Huế mở lớp kỹ thuật pha chế đồ uống

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Duy Thông - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết,việc tổ chức Phiên giao dịch việc làm đầu năm có ý nghĩa hết sức thiết thực, là một trong số những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, đặc biệt là để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động sau đại dịch Covid-19. “Phiên giao dịch không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, mà đây cũng chính là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động, để từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kỹ năng và kiến thúc cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động”, ông Thông thông tin.

Ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh hơn việc thông tin, dự báo nhu cầu của thị trường lao động, cả ngắn hạn và dài. Đặc biệt, đưa ra các giải pháp đẩy mạnh hoạt động đưa lao động ra ngước ngoài làm việc theo hợp đồng, kết nối chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để liên kết đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung của các phiên giao dịch việc làm theo hướng chuyên sâu, theo nhóm nghề cụ thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kết nối, cân bằng cung - cầu lao động…

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu mở thêm các nghề đào tạo mới theo xu hướng của thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động nói chung và lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp nói riêng có cơ hội tham gia các khoá đào tạo nghề phụ hợp để chuyển đổi nghề nghiệp. Tiếp tục tổ chức khai giảng các lớp May công nghiệp; kỹ thuật chế biến món ăn và VSAT thực phẩm; kỹ thuật pha chế đồ uống, tiếng Hàn cơ bản dành cho người đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS tại 12 Phan Chu Trinh.

 

Khánh Quyên