Xã hội
Thừa Thiên Huế: Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025
02:46 PM 15/09/2021
(LĐXH) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh.
Phân cấp tiêu chí chuẩn hộ nghèo, cận nghèo theo giai đoạn
Theo đó, tiêu chí đối với việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 là thực hiện theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và năm 2021.
Đối với việc tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 sẽ bao gồm: Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; và Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 gồm: Tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; và khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.
Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Các tiêu chí chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 gồm:
Chuẩn hộ nghèo, đối với Khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Đối với khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Chuẩn hộ cận nghèo đối với khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Chuẩn hộ có mức sống trung bình đối với khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bao trùm, bền vững
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo điều tra cuối năm 2020 là 10.871 hộ; số hộ cận nghèo là 13.434 hộ. Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 4.837 người; hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công là 174 hộ.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang tập trung rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025. Theo chuẩn nghèo giai đoạn mới, ước tính tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ tăng cao, trên 13,5% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo thu nhập, tương ứng khoảng 42.500 hộ. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người không có việc làm, mất việc làm. Tính đến nay, khoảng 26.000 người lao động Thừa Thiên Huế làm việc ngoại tỉnh bị ảnh hưởng dịch bệnh đã trở về địa phương và dự báo số lượng sẽ tiếp tục tăng lên. Do đó, công tác giải quyết chiều thiếu hụt việc làm bền vững cho người dân trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Trong giai đoạn 2021-2025 Thừa Thiên Huế phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Đến cuối năm 2025, Thừa Thiên Huế phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn từ 2 - 2,2%; tỷ lệ hộ nghèo của các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5 đến 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm trên 3%/năm; không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.
Đối với công tác thát triển nguồn nhân lực, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao về chất lượng và số lượng đội ngũ lao động, có cơ cấu hợp lý. Tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhanh và bền vững, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thục Quyên