Xã hội
Thừa Thiên Huế phấn đấu giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng trong năm 2018
04:08 PM 02/08/2018
(LĐXH)-Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ghi nhớ, tôn vinh và quan tâm sâu sắc đến thân nhân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công luôn được thực hiện tốt, hàng vạn hồ sơ người có công đã được giải quyết dứt điểm, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng chưa được giải quyết do còn nhiều vướng mắc.
Hồ sơ tồn đọng là hồ sơ được lập trước ngày 1/7/2013 đang tồn đọng ở nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền và chưa được công nhận, xác nhận. Trước đây, theo quy định phải có 2 nhân chứng xác nhận nhưng gia đình, thân nhân không tìm đủ nhân chứng hoặc giấy tờ không đầy đủ theo quy định. Nếu Bộ LĐ-TB&XH không có hướng dẫn mới thì các địa phương không thể giải quyết vì những hồ sơ này không đáp ứng đủ tiêu chuẩn cần có theo quy định để được công nhận NCC.
Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định 408, ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng để giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với hồ sơ đã lập trước 1/7/2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm, nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Qua 2 đợt rà soát, toàn tỉnh có 69 hồ sơ NCC tồn đọng. Trước khi Quyết định 408 (QĐ) ra đời, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai thí điểm việc giải quyết hồ sơ tồn đọng tại một số tỉnh, trong đó có Thừa Thiên Huế. Theo đó, tỉnh đã triển khai rà soát, hoàn thiện, trình hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ và đã giải quyết được 12 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ. Khi QĐ 408 ra đời, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục trình đợt 2 gồm 12 hồ sơ, đợt 3 gồm 4 hồ sơ và đã được Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, công nhận, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công 13 trường hợp. Để có cơ sở đề nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai rà soát. Qua rà soát, hiện nay toàn tỉnh có 55 hồ sơ, trong đó 10 hồ sơ được chuyển cho các đơn vị thuộc thẩm quyền giải quyết, như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, ngành Bưu điện; 45 hồ sơ còn lại thuộc ngành LĐ-TB&XH giải quyết.
Để giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng này trong năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 65 ngày 27/3/2018 về giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, hiện nay các cấp, các ngành đang tích cực triển khai và hy vọng sẽ về đích như dự kiến.
Sở LĐ-TB&XH đang đôn đốc các huyện, thị xã và TP. Huế khẩn trương rà soát, tổng hợp hồ sơ, nêu rõ vướng mắc, lý do tồn đọng của từng hồ sơ để chuyển lên Sở. Sau đó, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, phân loại kỹ hồ sơ. Hồ sơ nào đối tượng quy định theo QĐ 408 có thể hoàn thiện thủ tục đề nghị công nhận sẽ giải quyết theo hướng dẫn quy trình tại QĐ 408; hồ sơ còn vướng mắc theo quy định QĐ 408 sẽ có văn bản xin ý kiến Bộ LĐ-TB&XH. Hồ sơ nào không thuộc đối tượng theo QĐ 408 thì có văn bản thông báo với thân nhân để họ không mất thời gian, công sức đi lại nhiều lần. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2018 giải quyết dứt điểm tất cả các hồ sơ tồn đọng nói trên.
Bà Đoàn Thị Thanh Huyền, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách Nguyễn Thị Phố  tại xã Phong Chương (Phong Điền) 
Còn về vấn đề giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công nói chung, nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng xã hội, đến nayThừa Thiên Huế đã giải quyết dứt điểm hàng vạn hồ sơ, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình, góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công.
Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế có trên 110.000 hồ sơ NCC, trong đó có gần 19.000 liệt sĩ, 13.000 thương bệnh binh, 2.185 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH (nay có 89 Mẹ đang sống), gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày, hơn 30.000 người hoạt động kháng chiến, gần 3.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 30.000 người có công giúp đỡ cách mạng,…
Hàng năm toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 7.000 hồ sơ đề nghị xác nhận NCC và hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ NCC. Thời gian cao điểm như năm 2014, Sở đã tiếp nhận 15.039 hồ sơ các loại, giải quyết được 13.570 hồ sơ và đề nghị bổ sung hoàn thiện 1.496 hồ sơ. Riêng 5 năm (2012 -2017), Sở đã tiếp nhận và giải quyết gần 6.000 người có công được xác nhận, công nhận; giải quyết hơn 31.000 hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ, chính sách; thụ lý và đề xuất để 1.285 bà mẹ VNAH được phong tặng, truy tặng; 619 trường hợp được thưởng Huân chương độc lập cách mạng; 500 trường hợp thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến trở về địa phương được xác nhận và giải quyết chế độ.
Có được kết quả trên là nhờ trong việc xác nhận hồ sơ người có công, giải quyết chế độ chính sách, ngành LĐ-TB&XH đã đưa phần lớn các loại hồ sơ vào thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông. Công tác giải quyết dứt điểm hồ sơ đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đã được thực hiện công khai, minh bạch.
Trong những năm qua, hầu hết người có công trên địa bàn đã được hưởng đúng, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 24.000 người có công được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Các đối tượng chính sách không hưởng lương và Bảo hiểm xã hội đều được tỉnh trích ngân sách mua thẻ Bảo hiểm y tế và khi mất thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí. Từ năm 2012 cho đến 2017, toàn tỉnh có 4.648 hộ gia đình người có công được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, trong đó có 1.499 nhà được hỗ trợ xây mới và 3.149 nhà được sửa chữa với tổng kinh phí 122.940 triệu đồng; đến nay có trên 99% gia đình có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú, 100% Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng./.

PV