Lao động
Thừa Thiên Huế: Khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật
03:42 PM 03/06/2018
(LĐXH) – Trong những năm qua, hoạt động dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) luôn được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm thực hiện thông qua việc ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi nên việc dạy nghề và tạo việc làm cho NKT trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có những kết quả nhất định.
Theo số liệu điều tra từ năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh có 29.012 NKT, trong đó 16.704 NKT sống ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 57,58%, 12.308 NKT sống ở khu vực thành thị, chiếm tỷ lệ 42,42%; 4.674 NKT thuộc hộ nghèo và 2.743 NKT thuộc hộ cận nghèo. Trong đó trên 5.000 NKT còn đủ sức khỏe có nhu cầu được trợ giúp về học nghề, việc làm. Mặc dù số lượng NKT không lớn nhưng vẫn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì vậy,  bảo đảm việc làm cho NKT là cách tốt nhất giúp NKT nhận ra năng lực thực sự của bản thân, hòa nhập với cộng đồng, có thu nhập ổn định để họ vươn lên trong cuộc sống cũng như giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nhận thấy được thực tiễn đó, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho NKT trong việc học nghề và tìm kiếm việc làm như: Quyết định 63/2015/QĐ-UBND về quy định mức chi phí dạy nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch 93/KH-UBND năm 2012 thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012 – 2020… Qua đó, công tác dạy nghề và hướng nghiệp cho NKT đã được chú trọng. Tính riêng trong năm 2017, các cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho NKT (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho NTT, Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật Hy vọng) đã đào tạo và dạy nghề cho hơn 200 NKT với các nghề chủ yếu như may mặc, dệt vải, thủ công mỹ nghệ, sửa chữa xe máy, điện tử… Trung tâm Dạy nghề Tạo việc làm cho người mù đã mở 4 lớp cho 68 học viên; hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền 3,716 tỷ đồng gồm 49 dự án với 259 hộ vay. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh đã hỗ trợ gần 20 trường hợp NKT thuộc hộ gia đình nghèo vay vốn với số tiền gần 60 triệu đồng để sản xuất, chăn nuôi cải thiện đời sống.
Nhiều người khuyết tật ở Thừa Thiên Huế vẫn còn gặp khó khăn khi tìm việc sau đào tạo nghề
Ông Trần Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật thuộc Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để tạo điều kiện cho học viên sau khi tốt nghiệp khóa học đồng thời nâng cao tay nghề, Trung tâm đã tổ chức mô hình hoạt động Tạo việc làm tại trung tâm cho 3 ngành nghề: May, Mộc mỹ nghệ - chạm trổ và Thêu truyền thống. Trung tâm đã tranh thủ liên hệ với các đơn vị Công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp… của các ngành nghề trên để tìm kiếm nguồn việc làm cho các em tham gia việc làm tại Trung tâm có việc làm thường xuyên, ổn định. Thu nhập bình quân tạo việc làm tại Trung tâm là 600.000 – 700.000 đồng/tháng/học viên và được ăn ở miễn phí tại Trung tâm. Đặc biệt, một số em trên 1.000.000 đồng/tháng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề gắn với việc làm cho NKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Ông Nguyễn Văn Thoản – Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, NKT được coi là đối tượng đặc thù. Họ có thể bị khiếm khuyết ở những chức năng khác nhau. Vì vậy, dạy nghề cho NKT không thể áp dụng phương pháp dạy nghề thông thường mà đòi hỏi phải có những phương pháp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng.
Hệ thống dạy nghề cho NKT tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh còn yếu và thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng công tác dạy nghề cho NKT; nội dung chương trình, ngành nghề và hình thức đào tạo cũng chưa hợp lý, kết cấu quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, chưa có những giáo trình dành riêng cho NKT. Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, do đặc thù của người mù gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện sức khỏe, định hướng đi lại, hoàn cảnh gia đình… nên việc định hướng và đào tạo nghề phù hợp với khả năng của người mù gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là các cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho việc dạy nghề cho người mù; tài liệu và dụng cụ học tập cho người mù còn hạn chế; một số chính sách về dạy nghề cho NKT chưa phù hợp với điều kiện thực tế…
Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến việc triển khai công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho NKT gặp nhiều khó khăn cũng xuất phát từ sự tự ti của NKT trong việc hòa nhập với cộng đồng. Nhiều gia đình NKT là hộ nghèo, ở nông thôn, dân trí thấp nên không khuyến khích NKT đi học nghề mà muốn giữ ở nhà để trông nhà, làm việc nội trợ… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không mặn mà tiếp nhận NKT vào làm việc nên việc tìm kiếm việc làm cho NKT sau khi đào tạo gặp rất nhiều khó khăn.
Để cải thiện tình trạng trên cũng như tạo ra nhiều cơ hội cho NKT hòa nhập cộng đồng, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chỉ đạo cơ sở dạy nghề và các đơn vị liên quan tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn việc làm cho người khuyết tật; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí cho người khuyết tật; khuyến khích, vận động các công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy... tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc; kịp thời thẩm định, ra quyết định công nhận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng từ 30% lao động trở lên là người khuyết tật để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định. Bên cạnh đó xây dựng một số mô hình thí điểm về dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật để nhân rộng trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội tìm kiếm được việc làm và học nghề phù hợp với tình trạng khuyết tật của bản thân.
N.Khánh