Thời sự
Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả sau bão số 5
01:59 PM 18/09/2020
(LĐXH) - Cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền từ khoảng 10h sáng nay đã không mạnh như dự báo. Tuy nhiên, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có nhiều nhà cửa đã hư hại, hầu hết cây cối trên địa bàn đều đổ gãy, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 10h sáng nay 18-9, bão số 5 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình-Thừa Thiên Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 5, ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; ở đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh Trung Bộ đã có mưa rất to, lượng mưa 100-300mm.
Hồi 10h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông trên đất liền các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8.




Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Chủ tich tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão số 5
Gia đình bà Nguyễn Thị Diệu Hương, ở 68 phố Lê Duẩn bị gió thổi bay nóc. Bà Hương cho biết những năm vừa qua toàn là những cơn bão nhỏ nên bà có phần chủ quan. Ngay khi bão số 5 đổ bộ, bà chỉ ở nhà một mình nên không có người dọn đồ cùng. Bà Hương cũng dự đoán tổng thiệt hại của gia đình lên đến 50 triệu đồng, bao gồm mái tôn và các vật dụng liên quan đến nội thất trong nhà.
Trong khi đó, nhà ông Trần Bá Biểu ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà bị tốc mái cũng khiến nhiều tài sản trong nhà bị hư hại. Số lượng lúa dự trữ trong nhà nều bị ướt, cùng với đó là mái nhà cũng bay mất do dức gió giật quá mạnh.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Trong trưa và chiều nay, trên đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trên đất liền ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, có gió giật cấp 6-7.
Trước đó, tại huyện Phú Vang,  hơn 90% tàu thuyền trên địa bàn đã được đưa vào nơi neo đậu an toàn. Số tàu thuyền còn lại đang tiếp tục về bờ, vào nơi trú ẩn; các biện pháp khác để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân đang được khẩn trương, gấp rút hoàn thành trước 19 giờ  ngày 19/7.
Theo kế hoạch, toàn huyện có 3.242 hộ với 12.411 khẩu, dự kiến cần phải sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Trong đó di dời đến các nhà kiên cố (tại chỗ) là 2.451 hộ với hơn 9.283 khẩu; Di dời đến các nơi an toàn như trường học, trạm y tế…, 791 hộ với hơn 3.128 nhân khẩu. Các địa điểm dự kiến sơ tán, di dời là các nhà cao tầng trong dân, các trụ sở UBND xã, trường học kiên cố, các cơ quan công sở nhà nước... Công tác di dời dân đến nơi an toàn hoàn thành trước 19 giờ ngày 17/9.
Theo ghi nhận của phóng viên, đa số hàng quán, nhà cửa đều được người dân neo buộc để sẵn sàng ứng phó với cơn bão. Sức gió tấn công trực tiếp đã làm nhiều hàng quán ngã đổ phần mái che, mái tôn và hệ thống chịu lực bị gió xô xiêu vẹo. Cây cối ở các trục đường chính như đường Lê Duẩn, Kim Long, Lê Lơi, Nguyễn Khuyến… gãy đổ nằm ngổn ngang. Sau khi đi thị sát hiện trường, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đã huy động lực lượng công an và bộ đôi tập trung lực lượng tối đa để dọn dẹp khắc phục hậu quả sau bão. Nhiều nơi đã ghi nhận một số thiệt hại ban đầu:
Đường Lê Duẩn, của ngõ vào Ttrung tâm TP Huế
Lực lượng dân quân dọn dẹp cây cối bị đổ gãy tại Thị xã Hương Trà
Bãi đỗ xe đường Nguyễn Văn Linh, sau lưng cây xăng Ngô Đồng

Thị xã Hương Trà
Các ngả đường bị tắc do cây cối bị gãy, đổ
Nhiều ngôi nhà bị tốc mái

 

Hà Giang