Lao động
Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ 1.600 doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19
04:44 PM 22/07/2021
(LĐXH) - Theo báo cáo của BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến hết ngày 20/7/2021, BHXH Thừa Thiên Huế đã hoàn thành việc giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ BHTNLĐ, BNN, qua đó giúp doanh nghiệp có thêm phương án, điều kiện hỗ trợ người lao động, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương trong thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, BHXH Thừa Thiên Huế đã tạo điều kiện tối đa; đơn giản, cắt giảm thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, tuyệt đối không để phát sinh thêm thủ tục hành chính, không đưa ra thêm yêu cầu nào khác so với Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ và Công văn của Ngành. Đảm bảo kinh phí chi trả cho đơn vị sử dụng lao động để kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Thực hiện ngay việc điều chỉnh mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ BHTNLĐ, BNN. Đến ngày 20/7/2021 đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo về số tiền có được do giảm mức đóng vào Quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) đến các đơn vị sử dụng lao động để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch Covid-19.

Trên cơ sở hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã ban hành công văn số 648/BHXH-QLT hướng dẫn thực hiện giảm mức đóng vào quỹ BHTNLĐ, BNN; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; lập, xác nhận danh sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc ngừng việc do đơn vị gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 tại địa phương.
Đặc biệt, đến nay BHXH Thừa Thiên Huế đã thực hiện xong chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ BHTNLĐ, BNN, qua đó giúp các doanh nghiệp có thêm phương án, điều kiện chủ động khắc phục khó khăn, hỗ trợ người lao động phòng chống dịch Covid - 19. BHXH tỉnh đã hoàn tất cả thủ tục, gửi thông báo đến 1.633 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 264.336 lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BHTNLĐ, BNN 36tỷ273 triệu đồng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022).
Bên cạnh việc thực hiện chính sách giảm mức đóng vào quỹ BHTNLĐ, BNN, BHXH tỉnh cũng hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ giải quyết chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; giải quyết chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo thẩm quyền và xác nhận các danh sách: danh sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo quy định.
Ngoài việc chủ động trong tiếp cận người cần hỗ trợ; giảm thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, chuyển phát hồ sơ qua hệ thống bưu điện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, BHXH tỉnh còn đẩy mạnh công tác truyền thông, giải đáp, hỗ trợ, tư vấn để người lao động, người sử dụng lao động biết về các chính sách hỗ trợ; tăng cường công tác hướng dẫn, trả lời câu hỏi, vướng mắc liên quan.Theo đó, để hỗ trợ kịp thời cho người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid - 19, BHXH tỉnh thực hiện điều chỉnh thời gian giải quyết hồ sơ từ 2 ngày và 4 ngày xuống còn 1,5 ngày và 2,5 ngày làm việc với các thủ tục: hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng, ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng tổ chức làm việc ngoài giờ hành để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm thời gian tối đa để người lao động, người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ kịp thời...
Siết chặt công tác phòng chống dịch tại khu kinh tế, khu công nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa có ý kiến chỉ đạo tăng cường công tác sẵn sàng phòng chống dịch tại khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên cơ sở ý kiến đề xuất của BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao BQL chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) cho các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, đảm bảo yêu cầu vừa thực hiện biện pháp phòng, chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/7.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế chuẩn bị cơ sở vật chất tại các khu cách ly y tế, sẵn sàng đón công dân từ TPHCM trở về
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá việc triển khai phương án “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp, đối với việc xét nghiệm, tầm soát cho công nhân, tài xế phục vụ tại các KCN.
BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng phương án tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 cho đội ngũ tài xế đảm bảo việc lưu thông hàng hóa; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/7. Chỉ đạo các doanh nghiệp tổng hợp nhu cầu xét nghiệm, tầm soát cho đội ngũ công nhân; làm việc với Sở Y tế để phương án, kế hoạch triển khai cụ thể.
Khánh Quyên