Giáo dục - Nghề nghiệp
Thừa Thiên Huế đẩy mạnh việc nâng chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
05:59 PM 23/08/2019
(LĐXH)- Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sắp xếp, tổ chức các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng khoa học về tổ chức bộ máy và hoàn thiện từng bước về cơ sở vật chất, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đào tạo ra “lớp thợ” có tay nghề vững vàng, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp để từ đó có thể tự tìm việc làm, ổn định cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kiện toàn hệ thống cơ sở dạy nghề
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 03 năm trở lại đây, tỉnh đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, đã thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên cơ sở sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện. Sáp nhập Trường Trung cấp nghề Quảng Điền vào Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế…
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 35 cơ sở tham gia đào tạo nghề; trong đó có 08 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp, 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện và 13 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, có 03 cơ sở đào tạo nghề đặc thù cho các đối tượng người mù, người khuyết tật.
Các học sinh tham quan mô hình học tập ở  Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế
Các cơ sở đào tạo nghề ngày càng năng động, sáng tạo hơn trong hoạt động nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 100% các trường cao đẳng, trung cấp đã hoàn thành tự đánh giá, trong đó có 05 đơn vị đã được đánh giá ngoài (Cao đẳng Công nghiệp Huế, Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, Cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế, Cao đẳng Nghề số 23, Trung cấp Công nghệ số 10). Các cơ sở đào tạo nghề bước đầu đã tổ chức việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo theo hình thức niên chế hoặc module, đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình theo hướng tăng thời gian thực hành, thực tập của người học tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Một số trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn, như Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, ngoài nâng cao kiến thức, kỹ năng thì một trong những tiêu chí quan trọng của trường là trang bị cho người học thái độ để sẵn sàng làm việc. Từ khi sinh viên năm thứ nhất, trường đã tổ chức cho các em đi thực tế để hiểu rõ hơn về giáo dục nghề nghiệp, môi trường học tập cũng như môi trường làm việc tương lai để có định hướng đúng nghề nghiệp.
Điều đáng mừng là tính liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng. Thông qua các hợp đồng ký kết hợp tác đào tạo, trong đó nhà trường có trách nhiệm đào tạo, giới thiệu học viên cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp hỗ trợ vật tư cho học viên thực hành, tạo điều kiện cho học viên thực tập và tiếp nhận học viên của trường vào làm việc nếu đủ điều kiện. Việc doanh nghiệp tham gia xây dựng khung chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề nghiệp, tham gia vào hội đồng thi, xác định chuẩn đầu của học sinh, sinh viên… tại các cơ sở đào tạo nghề ngày càng trở niên phổ biến hơn.
Đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh có 102.989 lao động được đào tạo nghề. Trong đó, phân theo lĩnh vực: nông nghiệp có 25.740 lao động; phi nông nghiệp 77.249 lao động. Phân theo trình độ: sơ cấp và dưới 3 tháng có 63.390 người; từ trung cấp trở lên có 39.599 người.
Một trong những kết quả quan trọng là công tác đào tạo nghề đã từng bước chuyển theo hướng “cung” phù hợp với “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp. Những năm gần đây, tại nhiều địa phương (Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thuỷ, thành phố Huế…), các lớp dạy về kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc, hoa lưu ly, may mặc, thợ nề, chăn nuôi, thú y, mây tre đan, nghiệp vụ buồng phòng,… thường xuyên thu hút được người học do cơ hội sau khi đào tạo tìm được việc làm khá cao. Theo thống kê, tỷ lệ người học sau khi qua đào tạo nghề tìm được việc làm đối với hệ sơ cấp là 80%; đối với hệ trung cấp tỷ lệ này là 85% và hệ cao đẳng là 90%, nhiều học viên áp dụng các kiến thức được học tự tạo việc làm tại địa phương.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng nhìn chung chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Tác phong, kỹ năng, năng lực của người lao động sau đào tạo nghề vẫn còn thấp. Vẫn còn tình trạng người lao động được tuyển dụng làm việc tại doanh nghiệp không vận hành được máy móc, trang thiết bị buộc phải đào tạo lại. Mặt khác, đào tạo nghề của tỉnh hiện nay chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm gần 80%)…
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tăng cường năng lực dự báo nguồn nhân lực, gắn kết chặt chẽ đào tạo nghề với giải quyết việc làm; chú trọng thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm trên các phương tiện thông tin truyền thông; tăng cường thời gian thực hành của người học … để công tác đào tạo nghề ngày càng đáp ứng nhu cầu của xã hội./.
Thục Quyên