Giáo dục - Nghề nghiệp
Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh và phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp
02:32 PM 08/11/2022
(LĐXH) - Với quan điểm phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, chỉ thị... nhằm đẩy mạnh, phát triển công tác GDNN trên địa bàn và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đã được bổ sung, điều chỉnh bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, bền vững, phát huy năng lực, phẩm chất của người học.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh  hiện nay, toàn tỉnh có 36 cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 8 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 4 trung tâm GDNN, 9 trung tâm GDNN- GDTX cấp huyện và 11 cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN. Đội ngũ nhà giáo phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ nhà giáo GDNN hiện có trên 1.580 người. Trong đó, nhà giáo có trình độ trên đại học chiếm 40,34%, trình độ đại học chiếm 42,49%, trình độ cao đẳng chiếm 3,03%, trình độ trung cấp chiếm 8,71% và nhà giáo thuộc các trình độ khác chiếm 5,43%. Nhìn chung, hầu hết mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động.
Ảnh minh hoạ
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch đào tạo năm học 2022-2023; Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh năm 2022; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; báo cáo “sơ kết đánh giá thi hành chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp”; Công văn triển khai Nghị định số 24/2022/NĐ-CP ngày 06/04/2022 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Tỉnh cũng ban hành kế hoạch triển khai Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 20/01/2022 của UBND tỉnh Thực hiện Chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025 (đối với Chỉ số “Đào tạo lao động”). Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp hoạt động liên ngành năm 2020, 2021 và phương hướng, nhiệm vụ phối hợp công tác năm 2022 với Ban Quản lý KKT, KCN tỉnh; Hội thảo về công tác đào tạo nghề cho người chấp hành xong hình phạt tù (Công an tỉnh).
Tổ chức thành công Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 với 18 thiết bị, mô hình đào tạo tham gia Hội thi từ các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy niềm say mê nghiên cứu khoa học, tiềm năng trí tuệ của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên để sáng chế ra các thiết bị đào tạo có quy mô, chất  lượng phục vụ thiết thực cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Chuẩn bị tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, năm 2022.
Phối hợp tham mưu kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện; triển khai công tác đào tạo nghề cho người chấp hành xong hình phạt tù năm 2022. Phối hợp Viện Khoa học Giáo dục và Quản lý kinh tế tại Hà Nội triển khai xây dựng Đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh; Phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức lớp bồi dưỡng Nghiệp vụ QLNN về giáo dục nghề nghiệp. Lập danh sách  học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm 2022 trình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp biểu dương, khen thưởng. Tổ chức lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho hơn 100 cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; bồi dưỡng, tập huấn chính trị hè năm 2022 cho đội ngũ giảng viên, giáo viên và sinh hoạt chính trị đầu khóa của HSSV.
Kết quả từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 11.301 người (đạt 75,34% KH), trong đó trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác: 8.280 người; trình độ cao đẳng, trung cấp 3.021 người. Số học sinh đã tốt nghiệp 9.336 người (cao đẳng, trung cấp 2.976 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 6.360 người). Phấn đấu đến cuối năm 2022 ước đạt về tuyển sinh 4.500 học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp THCS, THPT học trình độ cao đẳng, trung cấp và 10.500 người học trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo trên 68%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác GDNN tại một số địa phương trong tỉnh hiện còn thiếu đồng bộ, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; một số địa phương chưa làm tốt công tác khảo sát, tuyên truyền, giám sát, đánh giá hoạt động GDNN từ đó chưa phát huy tốt việc đào tạo nghề gắn với cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Công tác giáo dục hướng nghiệp trong một số trường phổ thông vẫn còn chưa thật sự có nhiều đổi mới nên hiệu quả phân luồng chưa cao. Mặt khác, kinh phí triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện còn hạn chế, không được Trung ương hỗ trợ, phụ thuộc vào ngân sách địa phương nên còn gặp nhiều khó khăn. Việc khảo sát, rà soát lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo nghề nghiệp và chưa qua đào tạo nghề nghiệp, người lao động có nhu cầu học nghề, đặc biệt là người chấp hành xong hình phạt tù; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an đang cư trú tại các địa phương đang còn hạn chế.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chất lượng đào tạo nghề của một số trường tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực Asean, quốc gia; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 55-58%. Phấn đấu thu hút từ 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 25% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho trên 25% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt trên 45%. Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt trên 35%...
Nam Khánh