Thời sự
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
02:06 PM 15/05/2019
(LĐXH)- Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam".
Hội nghị do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) tổ chức.
Tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp, một số nhà khoa học tiêu biểu. Về phía các đối tác quốc tế có hơn 50 đại biểu là đại diện cấp cao của các thành viên IDIA, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, một số tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài, Đại sứ quán và các cơ quan liên quan của Australia và một số tổ chức quốc tế...
Quanh cảnh Hội nghị Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
IDIA gồm các tổ chức thành viên từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, các quỹ về đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới (từ các nhà tài trợ đa phương như Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển LHQ) đến các nhà tài trợ song phương quan trọng (Tổ chức viện trợ Australia, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Tổ chức viện trợ Vương quốc Anh…), các tổ chức tư nhân lớn (Quỹ Rockefeller và Quỹ Bill & Melinda Gates).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị
Hội nghị này nhằm làm rõ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo  như là trụ cột quan trọng phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời khuyến nghị những giải pháp, chính sách cụ thể cho Việt Nam. Là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và các đối tác quốc tế trao đổi về cách thức mà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Đồng thời là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, tăng cường liên kết với mạng lưới IDIA lần đầu tiên nhóm tập hợp tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cho rằng: Khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố; thị trường khoa học và công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các Bộ, ngành dự Hội nghị
"Để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan. Đặc biệt là cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam; những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cho biết.
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại hội nghị, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, Data61 và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc - UNDP đưa ra những tham luận chia sẻ về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự phát triển kinh tế xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, từ đó đưa ra khuyến nghị giúp Việt Nam tận dụng cơ hội cuộc cách mạng 4.0. Theo chương trình, Hội nghị sẽ nghe các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến tham vấn; Báo cáo nghiên cứu về tương lai kinh tế số Việt Nam, Báo cáo là kết quả của sự hợp tác kéo dài 18 tháng giữa CSIRO/Data61 của Australia và Bộ Khoa học và Công nghệ… Những kinh nghiệm và ý kiến tham vấn của các chuyên gia tại Hội nghị là những thông tin quý báu, hữu ích, đóng góp cho quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế lần đầu tiên tổ chức Hội nghị tại Việt Nam về chủ đề rất quan trọng “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”. Hội nghị là sự kiện quan trọng để Chính phủ tham vấn ý kiến tâm huyết từ các tổ chức tư vấn quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, phục vụ xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030), với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định: Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình. Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vậy bí quyết là cái gì? Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ. Sáng tạo phải từ con người và vì con người, con người phải là trung tâm của sáng tạo. Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ "tố chất bẩm sinh" cho sự sáng tạo, tôi tin nếu có đủ những ”dưỡng chất tốt" sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước và tâm huyết đóng góp vì sự phồn thịnh của đất nước.
Đại diện IDIA phát biểu tham vấn tại Hội nghị
"Tuy nhiên, năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún; chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt, hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia. Đặc biệt, nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta. Chính vì vậy, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư và ưu tiên chi cho khoa học công nghệ một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn" – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh.
Bà Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp CSIRO phát biểu tại Hội nghị
Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển khoa học và công nghệ, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương cần nhân cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách. Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững…

Chí Tâm