Thời sự
Thủ tướng Chính phủ: Kỷ niệm 70 năm ngày TBLS làm rung chuyển mọi tấm lòng với người có công
04:19 PM 17/01/2018
(LĐXH)- Thủ tướng nhấn mạnh: Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ làm rung chuyển mọi tấm lòng của người dân, của mọi cấp, mọi ngành đối với các đối tượng chính sách ở nước ta, trước hết là gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Sáng 17/1, phát biểu tại tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bộ LĐTB&XH là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân từ người lao động đến người có công, cho đến những người dễ bị tổn thương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Đánh giá tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, năm 2017, với sự điều hành, lãnh đạo của Đảng, thực hiện của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung, ngành LĐTB&XH nói riêng, đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc và chắc chắn rằng trong thành quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm vừa qua có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng của ngành LĐTB&XH nước ta, của Bộ LĐTB&XH.
“Chúng ta đã tổ chức hết sức trọng thể, có ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Có thể nói một năm làm rung chuyển mọi tấm lòng của người dân, của mọi cấp, mọi ngành đối với các đối tượng chính sách ở nước ta, trước hết là gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chưa bao giờ chúng ta tổ chức lớn như thế, chưa bao giờ từng người dân quan tâm tới các đối tượng chính sách như thế trong dịp kỷ niệm 70 năm này. Cũng trong năm 2017, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách lớn về đối tượng chính sách, nhất là tiếp tục giải quyết chính sách về người có công tốt hơn, linh hoạt hơn, quyết liệt hơn. Đồng thời, các đồng chí cũng đã đấu tranh chống tiêu cực rất quyết liệt. Dân tộc ta, đất nước ta, quân đội ta đã chiến đấu kiên cường để giữ gìn non sông đất nước, trách nhiệm của người đang sống là nhớ ơn, đền đáp đối với đối tượng chính sách” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, đề án; công tác xuất khẩu lao động đạt mốc 135.000 người ở nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản; tỷ lệ hộ nghèo giảm; vấn đề giáo dục nghề nghiệp có nhiều đổi mới; an sinh xã hội được đảm bảo, nhất là không chỉ giảm nghèo, các phương án đề xuất giải pháp giải quyết cho người dân khó khăn được kịp thời. Các lĩnh vực khác cũng đều có bước tiến bộ, từ an toàn lao động, công tác trẻ em, bình đẳng giới, bảo trợ xã hội, tuyên truyền báo chí của Bộ, tinh thần quốc tế được đẩy mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết rất ấn tượng với Bộ LĐTB&XH với tính thống nhất, đoàn kết, quyết tâm. Nhiều cán bộ trong đó có Bộ trưởng, Thứ trưởng đi đến hết các huyện nghèo cả nước để hiểu thực tiễn cuộc sống của người dân, triển khai cụ thể, hiệu quả các chương trình hành động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị
Bên cạnh thành tích lớn, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, bất cập. Đó là chất lượng, hiệu quả một số lĩnh vực chưa được cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển như năng suất lao động còn thấp, thu nhập bình quân của người lao động thấp, việc làm chưa ổn định, thất nghiệp còn cao; giáo dục nghề nghiệp chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, chất lượng chưa thực sự đáp ứng, gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội; thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, nhất là vấn đề quản lý lao động còn bất cập; tỷ lệ người lao động tham gia BHXH còn thấp; tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH còn cao; giảm nghèo chưa bền vững; tệ nạn ma túy, mại dâm vẫn diễn biến phức tạp; hiện tượng bạo hành trẻ em, đuối nước vẫn gây bức xúc xã hội cần đặt ra chương trình hành động để giải quyết; quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn hạn chế, ứng dụng CNTT chưa thực sự hiệu quả...
Thủ tướng cho rằng, những tồn tại này không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành LĐTB&XH mà của hệ thống chúng ta, của Chính phủ. Tuy nhiên, trước hết, ngành LĐTB&XH phải nghiêm túc đánh giá, tìm ra nguyên nhân, chủ động đề xuất phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan, cùng vào cuộc, có biện pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn trong năm tới.
Về nhiệm vụ trong năm 2018 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH triển khai quyết liệt Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Quán triệt tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển trong lĩnh vực mà Bộ LĐTB&XH phụ trách, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo có nhiệm vụ tạo mọi điều kiện để thị trường hoạt động tốt và không làm những việc thị trường làm tốt hơn. Vì vậy, trong các lĩnh vực của ngành LĐTB&XH, cần nhìn rõ được cái gì Bộ cần làm, cái gì Bộ nên tạo điều kiện để thị trường làm, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm.
“Bộ LĐTB&XH là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân, từ người lao động đến người có công, cho đến những người dễ bị tổn thương. Vậy những hồ sơ tồn đọng chờ xác minh, những dịch vụ công hỗ trợ người yếu thế, khó khăn, cần được cung cấp thế nào cho hiệu quả? Đó là một dấu hỏi đặt ra để thể hiện sự nhân văn này” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Vậy tinh thần hành động của một Bộ đặc thù như Bộ LĐTB&XH là gì? Thủ tướng đặt vấn đề và khẳng định: “Đó là nói và làm ngay, làm bằng được với tinh thần phục vụ, trách nhiệm cao, giải quyết càng sớm càng tốt những bất cập liên quan đến chế độ chính sách, quyền lợi của người dân”.
Về một số nhiệm vụ cần tập trung, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách BHXH để trình Hội nghị Trung ương VII. Lương tối thiểu ở khu vực kinh doanh để bảo vệ người lao động là cần thiết nhưng cần tính toán kỹ và điều chỉnh định kỳ để vừa bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động, vừa không đặt gánh nặng lớn lên doanh nghiệp.
Cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, đó là chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề, cung cấp dịch vụ hướng nghiệp. Cần chuyển mạnh từ cấp kinh phí sang đặt hàng đào tạo nghề.
Tăng cường quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao. Tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo. Cần nâng dần tỷ lệ bao phủ BHXH. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành đối với trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, đừng để tình trạng kinh tế có phát triển mà xã hội chưa ổn. Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, giảm và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân.
Cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, người lao động, nhất là đối với ngành nghề sử dụng nhiều lao động, Thủ tướng nêu rõ, Bộ LĐTB&XH phải chủ động, đồng bộ trong phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực. Trong năm 2018, Bộ phải tập trung đổi mới hệ thống dạy nghề theo hướng tự chủ, gắn với doanh nghiệp, hướng về công nghệ mới, đặc biệt kỹ năng công nghệ thông tin.
Trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các điều khoản về lao động công đoàn, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nắm tình hình công nhân và người lao động sát hơn nữa, quan tâm đến quyền lợi chính đáng, nhất là các thiết chế văn hóa cần thiết cho người lao động.
Về đón Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị quan tâm đặc biệt đến người cô đơn, người nghèo, người có công, người không có nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người lao động ở khu vực công nghiệp, người ở công trường, bệnh viện…
Nhóm PV