Pháp luật
Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ
04:56 PM 04/09/2018
(LĐXH) Không tạo kẽ hở cho các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải trái phép, gây mất trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là đối với phương tiện vận tải nội bộ; tổ chức đợt cao điểm kiểm tra việc thực hiện qui định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô theo hợp đồng, xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; vận động người dân kiên quyết từ chối sử dụng dịch vụ vận tải của các đơn vị không tuân thủ các qui định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông… là những yêu cầu được nêu trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vừa được ban hành nhằm hạn chế, ngăn chặn tai nạn trong hoạt động vận tải đường bộ.
Ngày 23/8/2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ.
Chỉ thị Chỉ thị số 24/CT-TTg nói trên được ban hành trong bối cảnh thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô. Nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp của các vụ tai nạn được chỉ ra là do các hành vi vi phạm qui định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của lái xe, chủ xe như vi phạm tốc độ , vi phạm qui định về thời gian lái xe, sử dụng xe ô tô không đủ điều kiện để kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác, đó là: Sự buông lỏng quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải; công tác quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh vận tải cũng như hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế; công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18-CT-TTg ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, ngăn chặn tai nạn trong hoạt động vận tải đường bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có yêu cầu:
Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương rà soát, bổ sung các qui định để đảm bảo an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, siết chặt các điều kiện về an toàn giao thông đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa; khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các Thông tư qui định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ cho phù hợp với tình hình mới, bảo đảm chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải trái phép, gây mất trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là đối với phương tiện vận tải nội bộ.
Khẩn trương nghiên cứu, bổ sung qui định tem kiểm định có màu sắc, hình dạng riêng đối với xe ô tô kinh doanh vận tải.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác hậu kiểm đối với đơn vị kinh doanh vận tải, tổ chức đợt cao điểm kiểm tra việc thực hiện qui định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô theo hợp đồng, xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm…

Bộ Giao thông Vận tải  cần khẩn trương rà soát, bổ sung các qui định

để đảm bảo an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô

(Ảnh minh họa)

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương  tăng cường tuyên truyền, phổ biến qui định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; tuyên truyền chủ xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp và lái xe nắm được các qui định của pháp luật về kinh doanh vận tải hàng hóa; vận động người dân kiên quyết từ chối sử dụng dịch vụ vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải không tuân thủ các qui định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (không có phù hiệu, biển hiệu xe, không có thiết bị giám sát hành trình; không có vé xe, hợp đồng vận tải, hoặc trên vé xe, hợp đồng vận tải không có nội dung thể hiện quyền lợi về bảo hiểm đối với hành khách…
Các yêu cầu trong Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu trên đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, đặc biệt các Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách bằng taxi. Tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo về cơ chế quản lý vận tải đường bộ, đại diện các Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… đã bày tỏ sự bức xúc vì phát triển nhanh chóng của loại hình taxi công nghệ không những đang làm gia tăng tình trạng kẹt xe, tắc đường, tai nạn giao thông mà tình trạng bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ đang đe dọa sự sống còn của cả một ngành vận tải taxi, cả cộng đồng doanh nghiệp vận tải taxi trong nước và cuộc sống của hàng trăm ngàn người lao động, làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Theo Thạc sỹ Trương Đình Quý, Phó TGĐ Cty CP Ánh Dương VN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, vốn điều lệ của Grab tại Việt Nam là 20 tỷ VNĐ, sau 02 năm thí điểm lỗ 938 tỷ, nộp thuế 9,5 tỷ. Năm 2017 lỗ tiếp 788 tỷ. Trong khi đó Vinasun nộp ngân sách Nhà nước 03 năm 2014- 2016 là 1.200 tỷ và trong năm 2017 vẫn là đơn vị chủ lực nộp ngân sách nhà nước. Tổng nộp ngân sách Grab năm 2017 giảm 59 tỷ so với 2016.
Tại TP.HCM Quỹ đất dành cho giao thông rất thấp. Tính đến hết năm 2016, tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.155 km, đạt mật độ 1,98 km/km2 (theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam phải đạt 10-13,3km/km2). Diện tích đất dành cho giao thông khoảng 7.841 ha (theo Quy hoạch cần đạt 22.305 ha). Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị chỉ đạt 8,5% (trong khi đó theo Quy hoạch phải đạt 22,3%).
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 phê duyệt Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, số lượng xe đăng ký kinh doanh theo hình thức xe hợp đồng đã tăng đột biến từ 177 xe (thời điểm năm 2014) lên hơn 34.562 xe (cuối năm 2017), đẩy số lượng phương tiện tham gia thị trường vận tải bằng ô tô dưới 9 chỗ tại Tp. Hồ Chí Minh lên tới hơn 44.167 xe vào thời điểm cuối năm 2017. Số lượng xe tham gia Grab cả nước trên 70.000 toàn là xe cá nhân, cỡ nhỏ, chạy theo giá chứ không hướng tới chất lượng. Đầu tư là tiền của dân, vay ngân hàng.
Quan trọng hơn, theo báo cáo số liệu của Tổng Cục Thống kê thì tổng doanh thu vận tải đường bộ của toàn ngành trên địa bàn TP.HCM năm 2017 giảm đi 3.600 tỷ, có nghĩa là cùng với tốc độ phát triển xe thì doanh thu vận tải đường bộ giảm xuống, năm 2017 tăng trưởng âm 22% so với năm trước đó, bẳng 03 năm trước đó là 2014.
Thêm vào đó, cùng kinh doanh trên một thị trường, phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, cung cấp một dịch vụ như nhau, nhưng xe taxi phải chịu 13 điều kiện kinh doanh khắt khe (như cấm đường, phù hiệu, quản lý giá cước, kiểm định đồng hồ, bảo hiểm, giờ chạy xe tối đa, niên hạn xe, ....) còn xe hợp đồng điện tử thì không. Riêng việc lách được quy định cấm đường đã khiến nhiều hành khách bỏ taxi sang gọi xe Grab. Các lợi thế chi phí càng giúp cho loại hình xe này phát triển nhanh chóng, trong khi các doanh nghiệp taxi chuyên nghiệp rơi vào khủng hoảng...
Mong rằng những yêu cầu được nêu ra trong Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được thực hiện nghiêm minh nhằm phòng ngừa, hạn chế những tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ./.
Thảo Lan