Thời sự
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tiếp Đại sứ Botswana
10:49 AM 28/08/2019
(LĐXH)- Sáng ngày 27/8, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã có buổi tiếp ngài Mothusi B.R Palai - Đại sứ Botswana tại Trung Quốc, kiêm nhiệm Việt Nam.
Ngài Mothusi B.R Palai bày tỏ vui mừng khi sang thăm Việt Nam đúng dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã đón tiếp đoàn hết sức nồng hậu; tin tưởng đây là bước đầu tiên thuận lợi để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tiếp Đại sứ Botswana 
Giới thiệu khái quát về đất nước mình, ngài Mothusi B.R Palai cho biết Botswana là quốc gia châu Phi. Kể từ khi độc lập, Botswana luôn hướng về phía Việt Nam như là một tấm gương điển hình để học tập trong xây dựng và phát triển đất nước.
Nhận thấy Việt Nam có những bước tiến phát triển vượt bậc về phát triển kinh tế, điển hình trong chế biến sản xuất lương thực, chế tạo điện tử... Ngài Đại sứ mong muốn, trong chuyến thăm và làm việc tại Bộ LĐTB&XH có thể chia thông tin về đất nước Botswana, cũng như khai mở tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Nói về hệ thống giáo dục của Botswana, ngài Mothusi B.R Palai cho biết, hiện nền giáo dục của nước này hướng nhiều về giáo dục học thuật. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm cao, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 19%. Nhận thấy sự cần thiết chuyển đổi nền giáo dục từ giáo dục học thuật sang hệ thống giáo dục cung cấp những kỹ năng cho lao động, Botswana mong muốn trang bị những kỹ năng cần thiết để sinh viên ra trường có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo ra việc làm cho mình.
Theo ngài Mothusi B.R Palai, một trong những thách thức của Botswana liên quan đến kinh tế. Nền kinh tế không đa dạng, dân số sống bằng nghề nông nhưng kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp, sản phẩm lao động chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thực phẩm và bằng khoảng 4% GDP. Công nghiệp khai thác kim cương và dịch vụ du lịch là lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế đất nước này. Do đó, đất nước Botswana cần tìm hướng đi khác sao cho đa dạng hóa nền kinh tế.
Ngài Mothusi B.R Palai thông tin thêm, dự kiến năm 2020, Tổng thống Botswana sẽ có chuyến thăm tới Việt Nam. Do vậy, chuyến thăm của ngài Mothusi B.R Palai sẽ là tiền đề tạo sự kết nối nhất định giữa hai đất nước để trong chuyến thăm tới đây của tổng thống Botswana sẽ diễn ra thành công tốt đẹp.
Cảm ơn những chia sẻ của ngài Mothusi B.R Palai về đất nước Botswana cũng như mong muốn hợp tác giữa hai bên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: Bộ LĐTB&XH là cơ quan quản lý nhà nước và đang quản lý 14 lĩnh vực như: lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công, bình đẳng giới... Tất cả các lĩnh vực của Bộ đều liên quan sát sườn đến người dân.
“Dân số Việt Nam hiện là 97,5 triệu người, trong đó lực lượng lao động là 55,4 triệu người. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam hiện chiếm 58,6% lực lượng lao động. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, từ ngày 01/01/2017, Bộ LĐTB&XH được Chính phủ giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là đơn vị đầu mối của Bộ chịu trách nhiệm tham mưu về chính sách giáo dục nghề nghiệp. Việt Nam hiện có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng nghề.
Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp từ xây dựng thể chế, quy hoạch lại mạng lưới, đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp, thực hiện gắn tuyển sinh với tuyển dụng, nhân rộng mô hình đào tạo 9+ gắn với phân luồng, đổi mới công tác truyền thông, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh...
Chính vì vậy, nhận thức của xã hội, của doanh nghiệp và các cấp quản lý về học nghề bước đầu có thay đổi tích cực; công tác tuyển sinh đào tạo các trình độ trong GDNN đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch và được nâng cao về chất lượng.
Để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN trong giai đoạn tới, Bộ LĐTB&XH xác định một số nhiệm vụ, giải pháp như: Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đặc biệt với doanh nghiệp; Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường lao động; Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp thông qua việc chuyển giao các bộ giáo trình và hợp tác về đào tạo nghề.
Với mong muốn trao đổi, hợp tác giữa hai bên về lĩnh vực GDNN của ngài Mothusi B.R Palai, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, thời gian tới phía Botswana có thể trao đổi cụ thể về nội dung cần hợp tác với đơn vị chức năng của Bộ là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị Ngài Đại sứ trên cương vị của mình sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng giữa hai bên./.
PV