Xã hội
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà dự chương trình bồi dưỡng chuyên đề về những quy định đối với lao động nữ
09:45 PM 04/07/2022
(LĐXH) - Sáng 4/7/2022, tại TP.HCM, Ban Vì sự tiến bộ phục nữ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Chương trình bồi dưỡng Chuyên đề về Những quy định đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động và An toàn sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ Covid -19. Chương trình nhằm chia sẻ về những quy định riêng về lao động nữ của Bộ luật Lao động năm 2019; tuyên truyền Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại chương trình

Đến dự, có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà - Ủy viên ban cán sự Đảng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ; Đồng chí Hà Xuân Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ; Đồng chí Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ; Đồng chí Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Đồng chí Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng - Trưởng đại diện Văn phòng tại TP.HCM của Bộ LĐ-TB&XH và Thủ trưởng, Phó thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ khu vực miền Trung, miền Nam cùng sự có mặt của gần 100 đại biểu đại diện Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị.

Phát biểu tại Chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, dịch bệnh Covid-19 diễn hơn 2 năm qua khiến phụ nữ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Những hệ lụy do dịch bệnh gây ra đã tác động không nhỏ đến việc bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ, đặt ra những thách thức mới trong thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Thứ trưởng hy vọng, những kiến thức cơ bản từ các chuyên đề của khóa tập huấn sẽ giúp chị em cán bộ nữ của ngành LĐ-TB&XH vận dụng phù hợp vào thực tiễn công việc của mình để tham mưu, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tại đơn vị, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nữ giới trong lao động, việc làm.

Thứ trưởng mong muốn qua tập huấn, chị em sẽ có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe cá nhân và gia đình, đặc biệt trong thời kì hậu Covid-19, từ đó có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Thứ trưởng Hà yêu cầu các đồng chí học viên chủ động, tích cực trao đổi, thảo luận các nội dung để bài giảng thêm sinh động, thiết thực và hiệu quả.

Tại chương trình, TS. Mai Đức Thiện- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH đã thông tin vền những nội dung của pháp luật liên quan đến bảo đảm bình đẳng giới và lao động nữ, cũng như một số chính sách liên quan.

Toàn cảnh chương trình 

Theo TS. Thiện, mục đích sửa đổi Bộ luật Lao động 2019 nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động. Đáp ứng yêu cầu  hội nhập kinh tế quốc tế (bảo đảm bình đẳng giới).

Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có riêng một chương quy định về bảo đảm bình đẳng giới. Trong đó, có Nguyên tắc cấm phân biệt đối xử trong lao động; Nguyên tắc trả lương bình đẳng, người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Trong đó, có những quy định riêng về lao động nữ; quy định rõ về bảo vệ thai sản; bảo vệ sức khỏe lao động nữ; bảo vệ việc làm với lao động nữ trong thời gian thai sản.

Theo TS. Thiện, Bộ luật Lao động cũng quy định về những chính sách của nhà nước về bảo đảm bình đẳng giới; trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm bình đẳng giới,…; các chính sách khác liên quan như: điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng dẫn bình đẳng giới, quấy rối tình dục tại nơi làm việc,…

Thông tin về một số mục tiêu cụ thể chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, ông Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hằng năm, các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và người dân được quyền truyền thông phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 2 cuộc.

Ông Lương cho biết, đến năm 2025, đạt 100% bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó về bạo lực trên cơ sở giới hàng năm. Phấn đấu đến năm 2030, nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10-15% so với năm 2025; Đến năm 2025, đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; Đến năm 2025, đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

Tại chương trình này, TS. BS Hồ Mai Hoa, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã có những chia sẻ về sức khỏe sinh sản của phụ nữ; dạy con tuổi dậy thì về sức khỏe, tình dục và phòng tránh thai an toàn. Bên cạnh đó, BS Hoa còn đưa ra những dấu hiệu về hậu Covid -19 và cách khắc phục như: Ăn uống bổ dưỡng, cân đối hợp lý; thể thao hàng ngày, đặc biệt tập thở; ngủ sâu đủ giấc; bình ổn, hòa hợp trong mối quan hệ gia đình; tặng yêu thương, giao lưu, gắn kết; bổ sung chống lão hóa; đi khám khi các triệu chứng trở nặng lên như: mệt nhiều, đau ngực, khó thở,...

Trương Đăng