Xã hội
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà: Chung tay đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em
09:06 PM 26/01/2022
(LĐXH) - Ngày 26/1, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà và Cục trưởng Đặng Hoa Nam. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Toàn cảnh Hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế xã hội trong nước, trong đó có công tác trẻ em: Đe dọa sự sống còn, sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng đến sức khỏe, dinh dưỡng và an toàn cho trẻ em do bị tách rời khỏi cha mẹ, người chăm sóc. Đại dịch còn gây gián đoạn trong học tập và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm thần, sự an toàn của trẻ em.
Năm 2021, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận hơn 507.800 cuộc gọi đến; tư vấn 35.385 ca (tăng 5.878 ca so với cùng kỳ năm 2020; có 807 ca tư vấn liên quan đến COVID-19); hỗ trợ, can thiệp 1.257 ca. Năm 2021, tỷ lệ các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực cao nhất trong các năm qua với 625 ca, chiếm 49,72% tổng số ca can thiệp, hỗ trợ…
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em, Cục đã kịp thời phối hợp, đôn đốc, chỉ đạo, triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch đối với trẻ, đặc biệt là trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 như: Tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ trẻ em; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở thực hiện pháp luật, chính sách và các biện pháp hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch; tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em (dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em); phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức xã hội triển khai các hoạt động hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Năm 2021, dại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống, trong đó trẻ em là đối tượng chịu tác động nhiều hơn cả. Trước mắt, trẻ em bị tác động đến dinh dưỡng, sức khỏe khi đời sống kinh tế nhiều gia đình ảnh hưởng. Điều đáng lo ngại hơn là trẻ em khi đi cách ly, bị tách khỏi gia đình. Việc học trực tuyến đối với lứa tuổi nhỏ cũng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, kiến thức và để lại hệ quả lâu dài.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận và biểu dương những kết quả mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục Trẻ em đã đạt được trong năm 2021. Theo Thứ trưởng, năm 2021, Cục Trẻ em đã tham mưu xây dựng được một số văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, nhanh chóng và chất lượng. Cùng với đó, đa dạng hóa công tác truyền thông về trẻ em. Công tác phối hợp liên ngành với các Bộ, ban, ngành như: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Công an, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo,… được triển khai nhịp nhàng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội nghị.
Về định hướng công tác trẻ em năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị, Cục trẻ em cần nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; củng cố hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; lưu ý quan tâm phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu nhi; nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa kiến thức bình đẳng giới vào môn học. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp liên ngành, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em… để họ phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình,cùng chung tay đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em, thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ trẻ em.
Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam phát biểu tại hội nghị.
Lê Minh.