Lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: TP.HCM phải đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động
09:50 AM 28/01/2021
(LĐXH) - Chiều 27/01/2021, Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP.HCM về tình hình lao động, việc làm và quan hệ lao động,... trên địa bàn.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh, TP.HCM phải đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động

Cùng đi trong đoàn Bộ LĐ-TB&XH có ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương; ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm; ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm. Làm việc với đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH về phía Sở LĐ-TB&XH TP.HCM có ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở và lãnh đạo các phòng, ban thuộc Sở tham dự.

Thay mặt lãnh đạo Sở báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, Thành phố hiện có trên 9 triệu dân với trên 4,7 triệu người lao động (NLĐ) đang làm việc. Trong năm 2020, các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn TP đã thu hút 306.992 lượt người vào làm việc, đạt 102,33% kế hoạch năm 2020; số chỗ việc làm mới được tạo ra cho 136.729 người, đạt 101,28% kế hoạch năm. Bên cạnh giải quyết việc làm trong nước được TP quan tâm, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài do các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cũng đưa đẩy mạnh. Cụ thể, năm 2020 các doanh nghiệp đã đưa được 8.189 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục Trưởng cục Việc làm và ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương phát biểu tại buổi làm việc

Theo ông Nguyễn Bảo Cường, qua khảo sát từ 1.035 doanh nghiệp (sử dụng 139.664 lao động) trên địa bàn về tình hình tiền lương, thu nhập và thưởng trong dịp Tết cho NLĐ năm 2021 cho thây: Tiền lương bình quân thực trả cho NLĐ trong năm 2020 là 10,07 triệu đồng/tháng; Thưởng Tết Dương lịch năm 2021, bình quân là 3,39 triệu đồng/người; Thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 là 8,81 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe). Một số doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức tất niên và có kế hoạch thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho NLĐ chưa có điều kiện về quê ăn tết.

Ngoài ra, tổ chức Công đoàn các cấp của Thành phố trong năm đã trao tặng 337.456 suất quà cho CNVC, lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo,...với tổng số tiền là 120,833 tỷ đồng; Tổ chức Chương trình Tấm vé nghĩa tình, trao tặng 25.717 vé xe cho công nhân về quê ăn Tết; trao tặng 1.500 vé tàu hỏa và 180 vé máy bay cho đoàn viên ưu tú, lao động giỏi, lao động sáng tạo với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng,...

Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Trưởng phòng Lao động tiền lương Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Bảo Cường cho biết, trong năm 2020, tổng số lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động trên địa bàn TP là 14.972 người, trong đó cấp mới 8.098 trường hợp, cấp lại 6.066 trường hợp, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 808 người. Tính đến ngày 15/12/2020, trên địa bàn TP có 27.265 người nước ngoài được cấp giấy phép lao động (còn hiệu lực) đang làm việc tại 8.115 tổ chức, doanh nghiệp. Qua thống kê cho thấy có 148 quốc gia có lao động đến làm việc trên địa bàn TP. Số lượng lao động nước ngoài xin cấp phép lao động làm việc giảm 33,94% so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 5.802 người). “Trong năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 11 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công với tổng số người tham gia là 4.886 người (giảm 04 vụ và giảm 1.720 người tham gia so với năm 2019). Các tranh chấp xảy ra trước Tết, tập trung ở việc đòi nợ lương, đề nghị công khai chi trả lương, thưởng, thanh toán tiền phép năm và việc thực hiện các quy định như tiền lương làm thêm giờ”: ông Nguyễn Bảo Cường cho  hay.

 Đặc biệt, thực hiện chính sách hỗ trợ cho NLĐ, doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 27/3/2020 của HĐND Thành phố TP đã phối hợp với các quận, huyện triển khai đồng bộ, nhanh nhưng đúng quy định. Tính đến ngày 18/01/2021 toàn TP đã giải quyết cho 560.998 đối tượng (đạt 100%) của 5.333 đơn vị (đạt 100%) với số tiền: 613.712.830.000 đồng, Nguyễn Bảo Cường chia sẻ.

Bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm DVVL TP.HCM báo cáo về các hoạt động nổi bật trong năm 2020 của Trung tâm với đoàn của Bộ.

Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn Bộ LĐ-TB&XH, bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm DVVL TP.HCM cho biết, thời gian qua Trung tâm thường xuyên thu thập, xử lý và cung ứng thông tin ngành nghề, trình độ, giới tính,… theo tần suất định kỳ hàng tháng, quý, thông qua Cổng thông tin việc làm TP.HCM www.vieclam.net, nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động cho TP và dự báo ngắn hạn cung cầu lao động trên địa bàn. Trong năm, Trung tâm đã thu thập thông tin cung cầu lao động 198.000 người, thu thập thông tin cầu lao động 21.500 doanh nghiệp; Tổ chức 97 phiên giao dịch việc làm trực tuyến và trực tuyếp. Kết quả, Trung tâm đã tư vấn việc làm cho 575.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho 169.000 lượt người và có 87.000 người nhận được việc làm.

Ông Trần Ngọc Sơn Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, hiện số lượng lao động của TP.HCM có trên 4,7 triệu người, với số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, TP.HCM phải đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, muốn đi đầu được Thành phố cần sử dụng công nghệ thông tin; Sử dụng môi trường mạng trong hoạt động cung cầu lao động. Công nghệ thông tin giúp kết nối được giữa NLĐ và doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp tuyển dụng với NLĐ có nhu cần cần việc làm. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần phải xây dựng công cụ quản trị thị trường lao động. Mời sự tham gia của các doanh nghiệp dịch vụ việc làm cùng vào tham gia hoạt động này. “TP.HCM cần cơ cấu lại thị trường lao động cho phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp cần ở trình độ nào, cao hay thấp,… mức lương như thế nào thì phù hợp”: Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, thời gian qua TP.HCM đã xử lý tốt quan hệ lao động, các vụ đình công, lãn công trên địa bàn đã giảm nhiều. Tuy nhiên, thời gian tới Thành phố cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, UBND dân quận, huyện chủ động theo dõi, nắm bắt chặt tình hình quan hệ lao động, có giải pháp ngăn ngừa các vụ đình công, lãn công; không để xảy ra tình trạng đình công, lãn công ở những doanh nghiệp lớn có đông công nhân lao động.  

 

Đoàn Bộ LĐ-TB&XH làm việc với Hiệp hội Da Giày – Túi xách Việt Nam; Ban quản lý các khu Chế xuất & khu Công nghiệp TP.HCM và Công ty VISSAN

Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã đến thăm, làm việc tại Hiệp hội Da Giày – Túi xách Việt Nam; Ban quản lý các Khu Chế xuất & khu Công nghiệp TP.HCM và Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) tại TP.HCM. Tại Công ty VISSAN, Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn công tác đã trực tiếp xuống xưởng của doanh nghiệp này để tìm hiểu về quy trình sản xuất - chế biến các sản phẩm thực phẩm. Đồng thời, thăm hỏi, động viên công nhân lao động đang làm việc tại đây.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn công tác trực tiếp xuống xưởng của Công ty VISSAN để tìm hiểu về quy trình sản xuất - chế biến và thăm hỏi động viên công nhân lao động.

Báo cáo với đoàn ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty VISSAN cho biết, hiện nay, tổng số lao động của công ty là 4.246 người. Trong đó, lao động có hợp đồng chính thức là 3.976 người; lao động có hợp đồng thời vụ là 270 người. Thu nhập bình quân của NLĐ trong năm 2020 đạt 9.500.000 đồng/người/tháng. Trong dịp Tết Nguyên đán tân Sửu 2021, Công ty VISSAN sẽ chi cho NLĐ số

tiền thưởng khoảng 18.200.000 đồng/người. Bên cạnh đó công ty còn tổ chức các chương trình Tết sum vầy, phát quà tặng, bán hàng giảm giá cho người lao động. Chăm lo Tết cho NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn… Được biết, tổng doanh thu trong năm 2020 của Công ty VISSAN đạt 5.167 tỷ đồng (đạt 101% so với kế hoạch năm 2020); đây là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử của doanh nghiệp này.

Đăng Hải