Lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Quảng Ninh cần tăng cường quản lý các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ
04:15 PM 30/03/2022
(LĐXH)- Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, chiều 29/3, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã có buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh về lĩnh vực lao động, việc làm và công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn.
Cùng đi có Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng, Phó Cục trưởng Chu Thị Hạnh và đại diện một số phòng liên quan thuộc Cục.
Về phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh có Giám đốc Nguyễn Hoài Sơn; các Phó Giám đốc: Nguyễn Thành Tâm, Lê Minh Sơn, Vũ Quang Trực cùng lãnh đạo các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở.
Quang cảnh buổi làm việc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh
Báo cáo tóm tắt công tác ATVSLĐ, Giám đốc Nguyễn Hoài Sơn, cho biết: Tháng hành động ATVSLĐ năm 2021 đã được tỉnh Quảng Ninh tổ chức thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, đã tập trung hướng về  doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động; đồng thời, chú trọng việc đánh giá, kiểm soát nguy cơ rủi ro về ATVSLD tại nơi làm việc để cán bộ quản lý, người lao động biết xử lý phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp. Các đơn vị đã tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc với 2.030 nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ mới được phát hiện, quản lý…
Năm 2021, khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 23 vụ TNLĐ chết người, làm chết 24 người (giảm 2 vụ và 2 người chết so với năm 2020). Trong 3 tháng đầu năm 202, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNLĐ chết người, làm chết 7 người (chủ yếu tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam).
Thứ trưởng lê văn Thanh ghi nhận công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ tại Quảng Ninh 
“Hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022, Sở đã tham mưu Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Kế hoạch tổ chức Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022 với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động tại đơn vị với nhiều chương trình hoạt động cụ thể và thiết thực nhằm giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc an toàn cho người lao động. Dự kiến tỉnh sẽ tổ chức Lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ kết hợp tổ chức Tháng Công nhân năm 2022 tại một doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam vào ngày 5/5” - Giám đốc Nguyễn Hoài Sơn, thông tin.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ tại 55 đơn vị, doanh nghiệp…
Về một số kết quả khác, Giám đốc Nguyễn Hoài Sơn, cho biết: Năm 2021, Quảng Ninh tạo việc làm tăng thêm đạt 14.000 lao động. Tổng số người tham gia BHXH là 265.500 người (chiếm 21,55 lực lượng lao động), số người tham gia BHTN là 233.100 người…
Giám đốc Nguyễn Hoài Sơn báo cáo tóm tắt kết quả một số lĩnh vực công tác của Sở
Đến nay, cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ổn định và hoạt động bình thường (trừ doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch), không có tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt lao động do lao động không trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Đối với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, có 64/64 doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất bình thường với tổng số 35.480 lao động (tăng 1.480 lao động so với trước thời điểm nghỉ Tết).
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do COVID-19 với 34.338 người và 5.997 người sử dụng lao động, tổng kinh phí hỗ trợ gần 62 tỷ đồng (không bao gồm số tiền thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí – tử tuất và hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất)…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê văn Thanh, nhận xét: Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp có nhiều ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, như: khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện, xi măng... tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người, trong đó chủ yếu là ở các đơn vị thuộc ngành than.
Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng trao đổi về công tác phòng ngừa rủi ro về ATVSLĐ
“Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ được Quảng Ninh thực hiện nề nếp, hiệu quả. Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu, đề xuất với tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, hướng dẫn, triển khai công tác ATVSLĐ theo từng lĩnh vực. Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, đa dạng. Công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ được chú trọng, thực hiện hiệu quả; việc tổ chức điều tra, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm túc tất cả các vụ TNLĐ chết người được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật” -  Thứ trưởng Lê văn Thanh, ghi nhận.
Thứ trưởng Lê văn Thanh đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ, UBND tỉnh về các biện pháp, giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid 19.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành tới doanh nghiệp, cơ sở thông qua nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Trước triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ và Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Hoàng Sỹ Hưng, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Tỉnh cần tăng cường các giải pháp quản lý ATVSLĐ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, nhất là lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây dựng công trình... Tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí cho công tác chăm lo, bảo đảm an toàn, sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đẩy mạnh việc ứng dụng công cụ số trong đánh giá, quản lý các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ.

Chí Tâm