Lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Bình Dương cần linh hoạt các thủ tục để người dân, doanh nghiệp không phải chờ đợi quá lâu
06:47 AM 28/10/2021
(LĐXH) - Tại buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh đề nghị, thời gian tới UBND tỉnh Bình Dương cần đẩy nhanh hơn những chính sách còn tồn đọng, rà soát không để sót đối tượng. Đồng thời, đôn đốc các sở ngành đẩy nhanh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Linh hoạt các thủ tục để người dân, doanh nghiệp không phải chờ đợi quá lâu.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh Bình Dương cần đẩy nhanh hơn những chính sách còn tồn đọng, rà soát không để sót đối tượng cần hỗ trợ

Chiều 27/10/2021, Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương về công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Tham gia đoàn kiểm tra cùng đoàn còn có ông Phạm Anh Thắng- Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM và đại diện Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Cục Việc làm, Vụ Bình đẳng giới,…

Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay toàn tỉnh Bình Dương đã có hơn 14.350 đơn vị, doanh nghiệp với số lượng hơn 1 triệu lao động (tạm tính) được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (12 tháng) với số tiền hơn 393,3 tỷ đồng (đã cơ bản hoàn thành).

Hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 49 doanh nghiệp, số lượng 17.673 lao động với số tiền hơn 161,8 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 100%). Đồng thời, tỉnh Bình Dương cũng đã hỗ trợ 186.507 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền hơn 689 tỷ đồng; hỗ trợ bổ sung cho 39.556 trường hợp mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi. Hiện tại tỉnh Bình Dương có 4.495 đơn vị với hơn 390.800 người lao động đã được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) xác nhận người lao động tham gia BHXH.

Toàn cảnh buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương

Ông Tuyên cho biết thêm, Bình Dương cũng đã hỗ trợ cho 1.990 người lao động ngừng việc bị cách ly y tế hoặc trong khu phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng (hỗ trợ bổ sung cho 391 trường hợp mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Hỗ trợ cho 104 người chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 418,8 triệu đồng (hỗ trợ thêm cho 33 trường hợp mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi). Chi hỗ trợ thêm cho 2.560 trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Hỗ trợ cho hơn 26.800 hộ kinh doanh với số tiền trên 80,47 tỷ đồng. Hỗ trợ hơn 449.000 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) với số tiền 673,55 tỷ đồng. Hỗ trợ 12.282 đơn vị sử dụng lao động giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 415 tỷ đồng. Tiếp nhận và phê duyệt hỗ trợ 248.244 hồ sơ và đã chi hỗ trợ 247.236 người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 576,93 tỷ đồng.

Hỗ trợ tiền thuê nhà theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh Bình Dương 1.401.748 người với số tiền 420,5 tỷ đồng. Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 1.374.440 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ theo Quyết định 12/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh với số tiền 687,22 tỷ đồng,...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại buổi làm việc

Theo ông Tuyên, việc triển khai các gói hỗ trợ tại địa phương gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng còn hạn chế, tồn tại. Chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất chưa thu hút được người sử dụng lao động vay. Nguyên nhân do số tiền vay để chi trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động với mức cho vay thấp, thời gian ngắn. Để hạn chế việc chi hỗ trợ sai, hỗ trợ nhầm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát và kiểm tra chặt chẽ việc hỗ trợ. Các địa phương phối hợp với VNPT Bình Dương ứng dụng công nghệ thông tin để đối chiếu rà soát nhằm tránh trùng lặp hồ sơ. Khi phát hiện có trường hợp chi trùng hoặc không đúng đối tượng thì kiên quyết thu hồi nộp lại ngân sách.

Tham gia ý kiến, đại diện một doanh nghiệp FDI cho biết: "Thời gian qua được hỗ trợ nhanh các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 giúp người lao động ổn định trong thời gian giãn cách. Tuy vậy, doanh nghiệp không chọn chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí vì sợ áp lực sau khi dừng đóng 6 tháng thì khi đóng lại số tiền sẽ rất lớn. Sắp tới, doanh nghiệp mong được hỗ trợ các vấn đề về nhu cầu lao động, vay vốn... để hồi phục sản xuất tốt hơn".

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương báo cáo về công tác an sinh xã hội tại Bình Dương

Phát biểu tại buổi làm việc ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính Phủ tại tỉnh Bình Dương rất kịp thời. Về mặt tổng thể có thể nhận định, Bình Dường đã cơ bản triển khai đồng bộ các gói hỗ trợ. Riêng về hai chính sách hỗ trợ tiền phòng trọ và hỗ trợ an sinh xã hội được triển khai rất nhanh và ấn tượng. Bình Dương đã tối giản toàn bộ thủ tục để hỗ trợ người dân có thể nhận tiền chỉ sau 3 ngày hoàn thiện hồ sơ, đây là một sự nỗ lực, cố gắng.

Ông Huy đưa ra ý kiến, thời gian tới tỉnh Bình Dương cần rà soát thông tin, dự báo chính xác về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để có hướng hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, cần tuyên truyền vận động người lao động đã về quê trở lại làm việc; đồng thời kết nối với các địa phương để việc đưa lao động trở lại thuận tiện hơn, nhanh hơn.

Ông Tào Bằng Huy, phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TP. HCM góp ý, trong thời gian tới để giữ chân người lao động, nhất là thu hút lực lượng lao động đã về quê quay trở lại thị trường lao động tỉnh Bình Dương cần tập trung quan tâm hỗ trợ bằng chính sách tiền mặt, đảm bảo an sinh cho số lao động hiện đang lưu trú tại các khu nhà trọ, sớm có các chính sách an sinh mới tạo niềm tin, thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Đồng thời, Bình Dương cần phải tính toán cho các kịch bản thiếu nguồn nhân lực trong trường hợp tỷ lệ lớn người lao động không quay trở lại địa phương khi 100% các doanh nghiệp khôi phục các hoạt động sản xuất,...

Đại diện một doanh nghiệp FDI cho biết, doanh nghiệp không chọn chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí vì sợ áp lực sau khi dừng đóng 6 tháng thì khi đóng lại số tiền sẽ rất lớn. Sắp tới, doanh nghiệp mong được hỗ trợ các vấn đề về nhu cầu lao động, vay vốn... để hồi phục sản xuất tốt hơn.

Ông Phạm Anh Thắng cho rằng, thời gian tới Bình Dương cần đảm bảo an sinh cho số lao động hiện đang lưu trú tại các khu nhà trọ, sớm có các chính sách an sinh mới tạo niềm tin, thu hút người lao động quay trở lại làm việc. 

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ về những khó khăn, thiệt hại mà tỉnh Bình Dương đã hứng chịu trong đợt dịch vừa qua.

Thứ trưởng ghi nhận, dù khó khăn nhưng Bình Dương vẫn triển khai nhanh, đồng bộ các gói hỗ trợ để đảm bảo an sinh cho người dân, giúp người dân kịp thời.  "Gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116 là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ. Thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân. Đánh giá cao việc lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh rất quyết liệt trong việc chi trả hỗ trợ. Nhờ vậy, Bình Dương đạt được những kết quả tốt ở tất cả các gói hỗ trợ. Một số gói hỗ trợ chưa phát sinh như đào tạo nghề, vay vốn... do giãn cách nên chưa thực hiện được. “Việc chi trả hỗ trợ cho người dân có nhầm lẫn nhưng không nhiều, chính quyền đã thu hồi kịp thời , không trục lợi, không thất thoát ngân sách nhà nước”, Thứ trưởng chia sẻ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đề nghị, thời gian tới UBND tỉnh Bình Dương cần đẩy nhanh hơn những chính sách còn tồn đọng, rà soát không để sót đối tượng. Đồng thời, đôn đốc các sở ngành đẩy nhanh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Linh hoạt các thủ tục để người dân, doanh nghiệp không phải chờ đợi quá lâu.

Về thị trường lao động: "Vấn đề này chúng tôi khá lo lắng. Đối với Bình Dương, vùng kinh tế trọng điểm, đánh giá thật kỹ mức độ thiếu lao động khi phục hồi, khảo sát ở các doanh nghiệp đê nắm bắt, số lao động, thiếu ngành nào, nghề nào, trình độ nào để nắm chắc, rõ, khả năng đáp ứng. Liên hệ với các địa phương để có giải pháp khắc phục, hỗ trợ an sinh thu hút lao động và đưa lao động trở lại,…”: Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị.

Đại diện doanh nghiệp, việc được hỗ trợ nhanh các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 giúp người lao động ổn định trong thời gian giãn cách.

Trước khi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương, chiều cùng ngày đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH đã đến kiểm tra tại UBND Thị xã Tân Uyên, nơi có thông tin về việc hỗ trợ nhầm "nhiều tỷ đồng" gây xôn xao dư luận. Báo cáo về thông tin trên, Chủ tịch UBND Thị xã Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi khẳng định: "Thông tin chi sai hơn 22.000 người với số tiền hàng trăm tỷ đồng là không đúng. Thị xã chỉ chi sai cho hơn 2.000 trường hợp với số tiền 760 triệu đồng, đến nay đã thu hồi để trả lại ngân sách nhà nước. Còn thông tin số lượng hơn 23.000 hồ sơ trùng lặp là hồ sơ được phát hiện, chưa chi tiền".

Lý giải về việc chi nhầm, ông Tươi cho biết, thời gian giãn cách, địa phương thực hiện "đông cứng khoá chặt" nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, ngoài thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính Phủ, huyện đồng loạt triển khai Nghị quyết 04/2021/NQ/HĐND và Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND của tỉnh với mức hỗ trợ 800.000 đồng/người. "Chỉ trong thời gian ngắn, thị xã đã chi hỗ trợ khoảng 300.000 người để giúp người lao động trả tiền phòng trọ, đảm bảo an sinh. Việc rà soát, chi hỗ trợ còn thực hiện thủ công nên việc sai sót là không tránh khỏi. Hiện, thị xã vẫn đang tiếp tục chi hỗ trợ cho những người dân chưa nhận do thời điểm chi phải giãn cách hoặc về quê", Chủ tịch Thị xã Tân Uyên  thông tin thêm.


Trương Đăng