Lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Bắc Ninh đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ thị trường lao động
09:25 AM 26/01/2021
(LĐXHH)- Thực hiện Chương trình công tác năm 2021, ngày 25/1/2021, đoàn công tác của Bộ Lao động – TBXH do đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh về tình hình thị trường lao động, việc làm và quan hệ lao động trên địa bàn.
Cùng đi có lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Cục Việc làm, Văn phòng Bộ Lao động – TBXH. Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Bắc Ninh có đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Nhân Chinh, Giám đốc Sở Lao động – TBXH cùng lãnh đạo Sở và Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Ninh...
Hơn 61.200 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Civid-19
Báo cáo về tình hình thị trường lao động, việc làm, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH Nguyễn Kim Triều, cho biết: Năm 2020, toàn tỉnh Bắc Ninh gần 800.000 lao động từ 15 tuổi trở lên (chiếm 58,4% dân số), bao gồm: khu vực thành thị 213.835 người (chiếm 26,8%), nông thôn 585.054 người (chiếm 73,2%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 70%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 1,74%; lao động ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 68,8%, ngành dịch vụ chiếm 17,6%, ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 13,3%.
Quang cảnh buổi làm việc tại UBND tỉnh Bắc Ninh

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 12 khu công nghiệp, 26 cụm công nghiệp được thành lập và đang hoạt động. Tính đến ngày 31/12/2020, tỉnh có 18.865 doanh nghiệp đang hoạt động (doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là 1.100 doanh nghiệp). Trong 12 khu công nghiệp của tỉnh, các doanh nghiệp sử dụng 331.609 lao động; trong đó, lao động trong tỉnh là 81.618 người (chiếm 24,6%), lao động ngoại tỉnh là 243.128 người (chiếm 73,3%), lao động người nước ngoài 6.863 người (chiếm 2,1%).

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao những nỗ lực của Bắc Ninh trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định
Tính đến hết tháng 12/2020, số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của Bắc Ninh là 442.252 người; tỷ lệ người lao động tham gia BHXH, BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi (số người tham gia BHTN nằm trong số người tham gia BHXH bắt buộc) chiếm 54,28%.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, theo báo cáo của 308 doanh nghiệp, số lao động bị ảnh hưởng tới việc làm là 61.214 người, gồm có 56.998 lao động bị thôi việc, 3260 người lao động bị  tạm hoãn hợp đồng lao động, 956 lao động  thoả thuận nghỉ việc không hưởng lương. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp bị gián đoạn, thiếu chuyên gia người nước ngoài (thời điểm đầu năm), do bị cắt giảm đơn hàng (nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm từ 30 - 50% đơn hàng).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng cam kết Bắc Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác phổ biến pháp luật về lao động
Thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm, chính sách tín dụng tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tích cực cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vay đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm mới. Tổng số dư nợ đến 31/12/2020 là 339,697 tỷ đồng tăng 86,632 tỷ đồng so với năm 2019; tổng doanh số cho vay trong năm là 170,350 tỷ đồng với 3.671 lao động được giải quyết việc làm...
Thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu cao nhất 170 triệu đồng
Theo kết quả điều tra, thu thập thông tin về cung cầu lao động trên địa bàn Bắc Ninh và báo cáo, cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổng số nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong năm 2020 là 90.778 lao động, tăng 15.558 lao động so với năm 2019.
Tiền lương bình quân trong các loại hình doanh nghiệp có báo cáo là 8,26 triệu đồng/người/tháng, tiền lương cao nhất nằm trong khu vực FDI. Theo báo cáo từ các doanh nghiệp, không có doanh nghiệp nợ lương người lao động, có 04 doanh nghiệp đã vay Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng trao đổi tại buổi làm việc
Thưởng Tết dương lịch 2021, có 167 doanh nghiệp trên tổng số 304 doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết cho người lao động, chiếm 54,9%. Mức thưởng bình quân là 1,08 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất là 139 triệu đồng/người/tháng thuộc doanh nghiệp FDI.
Kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Bắc Ninh đã có 265 doanh nghiệp trên tổng số 304 doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu cho người lao động, chiếm 87,2%. Mức thưởng bình quân là 5,33 triệu đồng/người, mức thưởng dự kiến cao nhất là 170 triệu đồng/người/tháng thuộc doanh nghiệp FDI.
Theo báo cáo, năm 2020, toàn tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới và cấp lại giấy phép lao động cho 3.540 người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, gồm: Nhà quản lý 572 lao động, Giám đốc điều hành 1.292 người, 1.481 Chuyên gia, 195 lao động kỹ thuật thuộc các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc - Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ, Philipines, Hoa Kỳ, Nam Phi…
Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy phát biểu tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhập cảnh cho người lao động nước ngoài trong thời gian diễn ra dịch Covid 19, từ tháng 5/2020 đến nay, Tổ công tác hỗ trợ nhập cảnh của tỉnh đã xem xét, thẩm định hồ sơ đề nghị nhập cảnh cho người lao động nước ngoài và trình Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận nhập cảnh cho 10.729 lao động nước ngoài đủ điều kiện vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Bắc Ninh trong việc duy trì ổn định sản xuất, lao động, việc làm và quan hệ lao động, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang có nhiều tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của người dân trong tỉnh, Bắc Ninh đã vượt qua khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, tham gia giải quyết việc là cho hàng chục nghìn lao động địa phương và các tỉnh lân cận.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh làm rõ thêm về công tác chăm lo Tết Tân Sửu 2021 cho người lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Thị trường lao động ở Bắc Ninh đang có sự chuyển đổi rất mạnh mẽ, qua đó góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh (là tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước). Nhìn chung, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người lao động về tiền lương, thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe người lao động, từ đó quan hệ lao động tại các doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là tới thời điểm này chưa xảy ra vấn đề về tranh chấp lớn...
Thời gian tới, Thứ trưởng Lê văn Thanh đề nghị tỉnh Bắc Ninh cần chủ động hơn nữa trong nắm bắt tình hình lao động trước, trong và sau Tết Nguyên Đán để có chỉ đạo, giải quyết kịp thời, tránh phát sinh đình công; hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu hụt lao động hoặc lao động chậm quay trở lại làm việc sau dịp nghỉ Tết. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; tiếp tục tuyên truyền thực hiện hiệu quả Bộ luật Lao động 2019; quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh và tạo điều kiện cho lực lượng lao động này đến Bắc Ninh làm việc. Về công tác chăm lo đời sống người lao động, cần quan tâm hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn trong bảo đảm chế độ chính sách, quyền lợi cho người lao động, nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH, BHTN; xây dựng thêm nhiều công trình nhà ở xã hội, các thiết chế an sinh nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng cùng các đại biểu chụp ảnh chung

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp của đoàn công tác, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Lao động - TBXH trong lĩnh vực lao động, việc làm và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Phó Chủ tịch Ngô Tân Phượng cam kết, thời gian tới Bắc Ninh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát hơn nữa tình hình đời sống của người lao động để có những hỗ trợ kịp thời, giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài, ổn định với danh nghiệp; đồng thời tăng cường công tác phổ biến pháp luật về lao động, mở rộng kết nối cung cầu thị trường lao động, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao tay nghề, hình thành nguồn lao động chất lượng cao theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Chí Tâm