Thời sự
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng: Đồng Tháp cần chủ động thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai
03:09 PM 19/08/2018
(LĐXH)- Đó là ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Tấn Dũng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh Đồng Tháp vào ngày 19/8.
Tham gia đoàn công tác có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội; đại diện Văn phòng Bộ Lao động – TBXH và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai thuộc Tổng Cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Cục Dân quân tự vệ (Bộ Quốc phòng)
Quang cảnh buổi làm việc tại UBND tỉnh Đồng Tháp
Tiếp và làm viêc với đoàn, về phía tỉnh Đồng Tháp có ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; ông Bùi Thành Nhơn, Giám đốc Sở Lao động – TBXH và lãnh đạo các Sở: Lao động – TBXH, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Theo báo cáo, trong 8 tháng đầu năm 2018, tỉnh Đồng Tháp có 4 cơn bão và 6 đợt áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng đã gián tiếp gây ra mưa vừa đến rất to, dông lốc, gió mạnh. Đặc biệt, trận mưa lốc xảy ra từ ngày 6 – 7/6 trên địa bàn các huyện Lấp Vò, Cao Lãnh, Tam Nông, thành phố Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh làm sập 2 căn nhà, tốc mái 55 căn, 1 nhà lưới, 1 nhà màng, chìm 1 bè cá , đứt 1 dây điện, đổ ngã 3 câu lâu năm và 56 cây ăn trái, ước thiệt hại về vật chất hơn 600 triệu đồng. Trên sông Tiền và sông Hậu xảy ra sạt lở 24,7km với diện tích 4,02ha tại 19 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố. Tổng thiệt hại về tài sản trong 7 tháng đầu năm ước tính hơn 13 tỷ đồng, làm chết 2 người (do sét đánh), sạt lở sông Tiền và sông Hậu khoảng 9,1 tỷ đồng, thiệt hại do dông lốc đối với nhà cửa và công trình hạ tầng khoảng 2,52 tỷ đồng…
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng ghi nhận những nỗ lực
trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Đồng Tháp
Về công tác chuẩn bị, phương án phòng chống thiên tai thì ngay từ đầu năm, các địa phương đều xây dựng kế hoạch cụ thể, kế hoạch đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ, phương án bảo vệ các công trình đê điều; phương án đảm bảo hậu cần ứng phó với thiên tai, huy động nguồn lực cứu trợ khẩn cấp với những vùng có khả năng bị cô lập, chia cắt đã được cụ thể hóa theo kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm một số kế hoạch tìm kiếm cứu nạn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết: Tùy theo tình hình hiện trường, tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng, các địa phương có kế hoạch xả lũ cụ thể, kiểm tra và đảm bảo hệ thống thống thông tin, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm tra, gia cố đê bao, cống đập, trạm bơm tiêu úng; khẩn trương thu hoạch bảo vệ lúa, hoa màu, thuỷ sản. Đặc biệt, công tác phòng chống sạt lở tại một số tuyến đê, bờ sông và phương án di dân đến nơi an toàn trước và sau khi xảy ra sự cố thiên tai tại các vùng trọng điểm có nguy cơ sạt lở được tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện nghiêm túc; thường xuyên nhắc nhở người dân chằng chống nhà cửa để đề phòng dông lốc, dự trữ lương thực, thực phẩm và tiếp tục lắp đặt, bổ sung các trạm, biển cảnh báo sớm dông, sét trên địa bàn các xã, địa phương thường xảy ra dông sét.
Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH Võ Thành Ngoan báo cáo về tình hình hỗ trợ người dân vùng lũ
Tại buổi làm việc các đại biểu và đoàn công tác đã tham gia nhiều ý kiến, kiến nghị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tăng cường công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn. Trong đó, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động – TBXH), cho rằng: Để ứng phó có hiệu quả, đảm bảo an toàn về người và tài sản, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngoài những giải pháp trọng tâm thì công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập các phương án ứng cứu phải được tổ chức thường xuyên hơn; các lực lượng xung kích phòng chống thiên tai đến các xã, ấp tuyên truyền, phổ biến và sẵn sàng hỗ trợ người dân khi sự cố xảy ra; tập trung công tác phòng tránh đuối nước, nhất là phương án đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh và các đối tượng yếu thế; có kế hoạch cụ thể hơn để hỗ trợ và đề nghị hỗ trợ người dân, nhất là ở những vùng có nguy cơ cao thường xuyên xảy ra thiên tai, vùng bị cô lập…  
TS. Nguyễn Văn Hồi phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Tấn Dũng đã biểu dương và ghi nhận những kết quả của Đồng Tháp trong công tác phòng chống cứu nạn và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua. Đặc biệt, số thiệt hại ước tính về người và tài sản so với cùng kỳ năm 2017 đã giảm đáng kể nhờ sự chủ động và vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Văn phòng Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo sẵn sàng ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, có nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản của các địa phương và nhân dân, nhất là các địa bàn xung yếu.
Đoàn công tác kiểm tra thực địa bờ kè thị xã Hồng Ngự tại sông Tiền tại thị xã Hồng Ngự 
Trước những kiến nghị của tỉnh, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Lê Tấn Dũng đã ghi nhận và đề nghị Đồng Tháp tiếp tục chủ động thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để tránh những thiệt hại về người và tài sản. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, thông báo, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến mức độ nguy hiểm của cơn bão để mọi người biết để chủ động phòng chống, tuyệt đối không để xảy ra hậu quả đáng tiếc do chủ quan, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản người dân. Đồng thời lưu ý, các cơ quan, đơn vị, thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh và các địa phương phải nắm chắc tình hình dân cư ở địa phương, nhất là những nơi chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; tăng cường công tác huấn luyện, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và phương tiện sơ tán dân ra khỏi những nơi mất an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở và tiếp tục có biện pháp chằng, chống nhà cửa cho người dân.

Chí Tâm