Giáo dục - Nghề nghiệp
Thứ trưởng Lê Quân: Đào tạo nghề phải gắn với doanh nghiệp
08:17 PM 21/01/2018
(LĐXH)- Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang thí điểm liên kết đào tạo với một số doanh nghiệp như FPT, Tập đoàn Mường Thanh, Hiệp hội siêu thị Việt Nam... và đã cho kết quả tốt.
Ngày 21/1 tại TP Việt Trì – tỉnh Phú Thọ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. PGS.TS Lê Quân – Thứ trưởng Bộ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; các ông Nguyễn Ngọc Phi, Huỳnh Văn Tí – nguyên Thứ trưởng BộLao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo các đơn vị của Bộ.

Thứ trưởng Lê Quân phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, TS.Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định: Năm 2018, Tổng cục quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 (tuyển sinh được 2,2 triệu người: trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp là 1,66 triệu người) tạo chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng và hiệu quả của GDNN đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành, những địa phương có nhu cầu lớn về nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp. Quán triệt phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền về GDNN, nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN; làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp theo phương châm lấy chất lượng, hiệu quả là mục tiêu hàng đầu; tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về GDNN, năng lực của cơ sở GDNN.

TS.Trương Anh Dũng báo cáo tại Hội nghị

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo bằng việc triển khai thực chất, rõ nét, đồng bộ trong 3 đột phá là: chuẩn hóa GDNN; xây dựng chuẩn đầu ra; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các nghề phổ biến; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tập trung tìm giải pháp để giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là ở các trường được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao. Rà soát, sắp xếp, quy hoạch, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN; đổi mới, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDNN theo lộ trình.

Tổng cục cũng nghiên cứu, đề xuất các hoạt động đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước; trong dạy và học của các cơ sở GDNN.

Về kết quả công tác năm 2017, TS.Trương Anh Dũng cho biết, năm 2017, Bộ LĐTB&XH chính thức tiếp nhận quản lý Nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đến tháng 7, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục; năm đầu tiên chuyển đổi tổ chức đào tạo theo quy định của Luật GDNN.

Trong bối cảnh đó, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục GDNN đã quyết tâm, bằng mọi biện pháp triển khai thực hiện Luật GDNN trong toàn hệ thống và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó đã xây dựng một số Đề án, cơ chế chính sách lớn như: Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, Nghị định tự chủ trong các cơ sở GDNN. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc CTMT GDNN - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020…
Tổng cục đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo chất lượng cao. Hướng dẫn các cơ sở GDNN xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo theo Luật GDNN; quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô - đun hoặc tín chỉ.
Tổ chức đào tạo thí điểm 12 nghề theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc; chuyển giao các bộ chương trình từ Cộng hòa liên bang Đức; đồng thời tăng cường các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổng cục đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở GDNN thực hiện các quy định của Luật GDNN về đào tạo trình độ sơ cấp; đào tạo thường xuyên theo hình thức vừa làm vừa học và các chương trình đào tạo thường xuyên khác; xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo nghề nghiệp đa dạng, linh hoạt về thời gian địa điểm đào tạo; tạo các cơ hội, điều kiện thuận lợi để người học lựa chọn chương trình đào tạo, khóa học phù hợp để có việc làm theo yêu cầu của doanh nghiệp và học liên tục, học trong nhà trường, học tại nơi làm việc. Trong năm qua, Tổng cục đã tổ chức thành công cho đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 tại Abu Dhabi đạt thành tích cao.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh Tổng cục cần lưu ý 4 điểm. Thứ nhất, tăng cường năng lực của Tổng cục. Tổng cục GDNN phải tiên phong, tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng cán bộ... nếu không sẽ chậm trong đổi mới. Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về GDNN, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở để làm sao cho tốt hơn. Khi truyền thông tốt sẽ làm thay đổi được nhận thức trong xã hội bởi xã hội có 2 nhóm nhân lực rất lớn là chất xám, nhân lực quản lý, chiếm khoảng 1/5 – 1/5 cơ cấu tổ chức, và nhân lực còn lại rất lớn là giáo dục nghề nghiệp.
Thứ trưởng Lê Quân tặng Cờ thi đua cho lãnh đạo Tổng cục
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Thứ trưởng khẳng định công tác quản lý cần dựa trên nền tảng CNTT, từ đó giúp Bộ quản lý được chất lượng, làm cơ sở dữ liệu phục vụ người học, công tác tuyển sinh. ”Tháng 5 tới, chúng ta sẽ ra mắt phần mềm chọn nghề ứng dụng trên điện thoại di động, giúp người học nắm bắt được thông tin cần thiết như học gì, học ở đâu, học như thế nào, việc làm ra sao...” - Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ tư, phải bám vào doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo phải gắn với doanh nghiệp, không nên đào tạo quá nhiều lý thuyết hàn lâm mà hướng tới tạo việc làm cho người học. Hiện Bộ LĐTB&XH đang thí điểm liên kết đào tạo với một số doanh nghiệp như FPT, Tập đoàn Mường Thanh, Hiệp hội siêu thị Việt Nam... và đã cho kết quả tốt.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quân đã tra Cờ thi đua xuất sắc năm 2017 của Bộ LĐTB&XH cho lãnh đạo Tổng cục GDNN./.
Dương Thìn