Lao động
Việt Nam - Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC)
08:32 AM 12/08/2017
(LĐXH)- Ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã có buổi tiếp ông Maki Yoshino, Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản về việc đẩy mạnh chương trình hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC). Tham dự buổi tiếp có đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Công ty SONA.
Theo nội dung đã được hai Bên thống nhất trong Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Bộ Lao động - TBXH Việt Nam  và Bộ Tư Pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản, Bộ Lao động - TBXH Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, chứng nhận doanh nghiệp Việt Nam theo các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 của MOC từ ngày 01/8/2017 để cung cấp danh sách doanh nghiệp được chứng nhận cho phía Nhật Bản trước ngày 1/4/2018. Các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 của MOC được xây dựng chủ yếu dựa trên các quy định về chương trình thực tập kỹ năng của Nhật Bản, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản hiểu rõ và triển khai chương trình theo đúng các quy định chặt chẽ của Nhật Bản.
Quang cảnh buổi tiếp tại trụ sở Bộ Lao động - TBXH
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Chính phủ Việt Nam đánh giá cao Chương trình hợp tác đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc và mong muốn các thực tập sinh Việt Nam sau thời gian sang làm việc tại Nhật Bản sẽ tiếp thu những kiến thức, kỹ năng để trở về Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp. Mặc dù số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng nhiều nhưng cũng còn một số vấn đề phát sinh trong chương trình như: tình trạng thực tập sinh không được đào tạo đầy đủ cả về ngôn ngữ, luật pháp, kỹ năng sống để hòa nhập vào môi trường sống mới; một số thực tập sinh bị thu phí trước khi xuất cảnh quá cao; thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc bị khấu trừ các khoản tiền lương cho chi phí nhà ở, điện nước, sinh hoạt khá cao dẫn đến thu nhập thực tế của các thực tập sinh thấp; các nghiệp đoàn tiếp nhận của Nhật Bản và các doanh nghiệp phái cử của Việt Nam cắt giảm các quyền lợi của thực tập sinh... Do đó dẫn đến thực trạng các thực tập sinh Việt Nam bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp tăng lên.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trao đổi với Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản Maki Yoshino
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, ngoài các tiêu chuẩn đã được hai bên thống nhất quy định tại Mục I, Phụ lục 1, Việt Nam dự kiến điều kiện về năng lực của doanh nghiệp đưa đi để đàm phán với Tổ chức OTIT theo quy định tại Mục III Phụ lục 1 như: (1) Có tối thiểu 01 cán bộ thị trường, 01 cán bộ quản lý lao động tại Nhật Bản có chứng chỉ tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT) hoặc tương đương; Có cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đáp ứng các yêu cầu; (2) Có hợp đồng liên kết đào tạo tiếng Nhật với cơ sở đào tạo ngoại ngữ có chức năng đào tạo ngoại ngữ để đảm bảo đào tạo tiếng Nhật cho thực tập sinh trước khi đưa đi; (3) Có những quy định minh bạch xung quanh chi phí trước khi đưa thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc. Các doanh nghiệp muốn tham gia chương trình này chỉ được phép thu những phí dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và không được thu quá mức mà Chính phủ Việt Nam quy định; (4) Quy định các doanh nghiệp nào muốn tham gia chương trình này phải có đại diện thường xuyên có mặt tại Nhật Bản để hỗ trợ thực tập sinh trong những trường hợp cần thiết; (5) Các doanh nghiệp phái cử thực tập sinh sẽ có những chương trình, kế hoạch hỗ trợ thực tập sinh sau thời gian làm việc tại Nhật Bản quay trở về nước có thể hòa nhập với thị trường lao động Việt Nam.
Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản Maki Yoshino cho biết hiện đất nước mình
đang thiếu khoảng 300.000 - 500.000 lao động trong lĩnh vực điều dưỡng viên
Liên quan đến Chương trình đưa thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Việt Nam đã triển khai chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản theo khuôn khổ Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) từ năm 2012 đến nay. Chương trình này nhận được sự quan tâm lớn từ các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng và được phía Nhật Bản đánh giá rất cao về hiệu quả thực hiện, dựa trên năng lực thực tế của ứng viên khi làm việc tại Nhật và kết quả các kỳ thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản. Tuy nhiên vấn đề ở đây là đưa thực tập sinh hay điều dưỡng, điều đó cũng cần phải trao đổi rõ hơn.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tặng quà lưu niệm ông Maki Yoshino
Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Doãn Mậu Diệp cũng chia sẻ: Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại Nhật Bản theo khuôn khổ VJEPA đã tạo tiền đề tốt cho việc triền khai chương trình đưa thực tập sinh hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian tới. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản vẫn chưa đưa ra các quy định cụ thể như điều kiện về chuyên môn, về trình độ tiếng Nhật đối với thực tập sinh hộ lý, điều kiện đối với các tổ chức quản lý và tổ chức tiếp nhận phía Nhật Bản... Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ sở xây dựng tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp phái cử đưa thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản. Trường hợp phía Nhật Bản đưa ra tiêu chuẩn cao đối với thực tập sinh, tổ chức quản lý và tổ chức tiếp nhận, Bộ Lao động - TBXH Việt Nam cũng sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp Việt Nam có chất lượng đào tạo, quản lý tốt để thí điểm chương trình thực tập sinh hộ lý, làm mô hình nhân rộng cho các doanh nghiệp khác thực hiện.
Cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Việt Nam, ông Maki Yoshino cho biết: Nhận Bản đang thiếu khoảng 300.000 – 500.000 lao động trong lĩnh vực điều dưỡng viên. Đối với những điều dưỡng viên này không thể nhận những lao động trình độ sơ cấp hay phổ thông để cung ứng cho lĩnh vực này. Do đó, Nhật Bản rất chú trọng vào chương trình thực tập sinh điều dưỡng và mong muốn Chương trình được phát triển lâu dài.

Chí Tâm