Thời sự
Thống nhất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội thời gian tới
04:19 PM 26/04/2019
(LĐXH) - Sáng ngày 26/4/2019, tại TPHCM, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 12 nhằm nghe báo cáo của các Bộ, ngành về tình hình triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và các năm tiếp theo đối với các dự án luật thuộc các lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Phiên họp

Tham gia Phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ LĐ – TBXH;  Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vến đề xã hội; đại diện các Bộ, ngành và các thành viên của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Các đại biểu thảo luận tại Phiên họp

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã báo cáo về tình hình triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và vấn đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và các năm tiếp theo đối với các dự án luật, đề xuất thuộc các lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đã được Quốc hội thông qua theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 thì Bộ Lao động – TBXH có 01 dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi); tháng 4/2019, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý điều chỉnh đưa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Như vậy, trong năm 2019, Bộ dự kiến có 02 dự án luật, pháp lệnh: Bộ Luật lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Theo Nghị quyết số 57/2018/QH về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Bộ Lao động – TBXH có 01 dự án luật dự kiến trình quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và  trình Quốc hội thông qua kỳ họp thứ 8. Ngay khi được thông qua, Bộ đã triển khai ngay công việc soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đến nay, hồ sơ dự thảo Bộ luật đã được xây dựng cơ bản. Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội theo kế hoạch.

Về Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), hiện nay, Bộ cũng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh theo đúng quy trình thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và đang phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan để xây dựng dự thảo Pháp lệnh. Sau khi Quốc hội có Nghị quyết thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng năm 2019, Bộ Lao động – TBXH sẽ hoàn thiện, trình cơ quan có thầm quyền theo tiến độ.

Trong năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất các dự án luật như: Luật đưa Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật BHXH (sửa đổi), Luật Người Cao tuổi (sửa đổi),  Luật Bình đẳng giới và đề xuất gia nhập các Công ước quốc tế: Công ước 98, 105, 87…

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp báo cáo tạo Phiên họp

Qua nghe báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các đại biểu nhất trí với ban soạn thảo về chủ trương, sự cần thiết và mục đích yêu cầu sửa đổi các dự án luật, pháp lệnh trong thời gian tới. Các đại biểu cũng đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị với Ban soạn thảo về việc rà soát, bổ sung thêm các vấn đề liên quan trọng dự thảo về dự án luật nêu trên.

Bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết:  Cần tập trung thảo luận và xúc tiến hoàn thiện Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi). Đối với chương trình xây dựng Luật đưa người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì hồ sơ xây dựng luật này đã đảm bảo các thành phần. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy các ý kiến đóng góp trên cổng điện tử chưa nhiều, cần lưu ý các nhóm chính sách như sau: Đánh giá thi hành luật hiện hành, định hướng thời gian tới, theo dõi người lao động, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước; hỗ trợ thông tin, tuyên truyền, chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp. Đây là ngành nghề kinh doanh nhạy cảm. Kiến nghị của Ủy ban đã nêu về các vấn đề năng lực, kết quả giám sát, người lao động đi làm việc theo hợp đồng. Công bố chất lượng của doanh nghiệp cũng cần đưa vào trong dự án luật.  

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời các ý kiến của đại biểu

Đối với Pháp lệnh người có công (sửa đổi),  tính đầy đủ hồ sơ đã đảm bảo các thành phần. Tuy nhiên cần lưu ý các vấn đề sau: Báo các các danh mục, văn bản cần được thể hiện trong dự án này, các số liệu, nguyên nhân đánh giá còn chung chung chưa phù hợp. Cần lấy ý kiến tại các cơ quan và đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Bộ và Chính phủ. Về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công, Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng là rất cần thiết sửa đổi, bổ sung và nhất trí đưa vào kỳ họp lần này cho ý kiến. 

Bình luật về sửa đổi Bộ luật Lao động và các dự án luật, đại diện Bộ Tư Pháp nhất trí với báo cáo giải trình về các dự án luật, pháp lệnh sửa đổi của Bộ. Báo cáo rất chi tiết, cụ thể, chặt chẽ trong dự án luật và pháp lệnh sửa đổi trong Chương trình 2019 và chương trình 2020. Đại diện Bộ Tư Pháp cũng yêu cầu Bộ LĐTBXH khẩn trương gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ trong thời gia tới. Còn về Pháp lệnh Người có công với cách mạng, Bộ Tư pháp đề nghị sớm triển khai các hoạt động và thành lập ban soạn thảo để đảm bảo tiến độ. Bộ Tư pháp cũng nhất trí cao đưa 3 dự án luật: Người cao tuổi, Luật BHXH, Bình Đẳng giới vào Chương trình dự án luật năm 2020  vì các luật này rất cần thiết và cần sớm sửa đổi. 

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Bộ luật lao động (sửa đổi) lần này trên tinh thần điều chỉnh bãi bỏ những nội dung không phù hợp; điều chỉnh những nội dung mới, phù hợp với thực tiễn; Bộ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện Dự thảo trong một thời gian khá dài để lấy ý kiến, đánh giá tác động cũng như các vấn đề liên quan từ nhiều phía. Quan điểm của Bộ khi xây dựng các dự án luật, pháp lệnh sửa đổi là đánh giá cụ thể, chặt chẽ về những tác động, ảnh hường liên quan đến luật trước khi ban hành.

Bộ trưởng cũng cảm ơn các đồng chí đại biểu đã quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến quý báu về các Dự án luật, pháp lệnh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; ngay sau khi các dự thảo được cho ý kiến, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về các nội dung này.

Kết luận phiên họp, bà Thúy Anh cho rằng: Để đưa các Dự luật này vào trình Quốc hội, đề nghị các Bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hồ sơ và các dự thảo, làm rõ các vấn đề liên quan còn vướng mắc. Dự kiến Pháp lệnh NCC sẽ đưa ra trình vào tháng 7 thời gian tới. Pháp lệnh Người có công khi điều chỉnh sẽ có nhiều điểm mới, đề nghị Bộ tổ chức lấy ý kiến tại các địa phương.  

 Vương Linh