Lao động
Thị xã Đông Triều: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động
01:44 PM 24/04/2020
(LĐXH) – Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo việc làm cho người lao động, năm qua, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã tạo việc làm mới cho 2.526 lao động. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, chế độ, chính sách cho người lao động được đảm bảo, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 81,7%.
Công nhân làm việc tại Công ty CP Thanh Tuyền Group
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thị xã cho biết: Thời gian qua, các cấp, các ngành của thị xã đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tạo việc làm cho người lao động, như: Chủ động phối hợp với các xã, phường trên địa bàn để nắm bắt đầy đủ nhu cầu việc làm của người lao động, từ đó liên kết với những công ty uy tín đang có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình lao động trong các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời giải quyết việc làm mới. Bên cạnh đó, xác định nâng cao chất lượng đào tạo trình độ kỹ thuật cao để phục vụ công tác xuất khẩu lao động và các ngành kinh tế mũi nhọn… Trong năm 2019, phòng LĐTBXH đã phối hợp với Sở LĐTBXH tỉnh, Liên đoàn lao động thị xã, BHXH thị xã tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho 55 doanh nghiệp với 110 người tham gia; Phối hợp với Đài truyền thanh - truyền hình thị xã viết tin, bài tuyên truyền về chính sách lao động, việc làm cũng như kết quả thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn; Tổ chức hội nghị hướng dẫn điều tra, khảo sát thu thập thông tin về lao động, việc làm cho 199 người là cán bộ LĐTBXH các xã, phường và cộng tác viên công tác xã hội của các thôn, khu phố trên địa bàn thị xã.
Xác định đào tạo nghề cho LĐNT là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thị xã bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hằng năm, phù hợp với nhu cầu việc làm, thực tiễn ở địa phương. Trên cơ sở đó, Phòng LĐTBXH và Phòng Kinh tế đã tham mưu cho UBND thị xã thực hiện đặt hàng với các cơ sở đào tạo, thông báo tuyển sinh, phối hợp với UBND cấp xã rà soát lại các đối tượng có nguyện vọng đào tạo, lập danh sách lớp theo hướng dẫn. Trước khi tham gia đào tạo nghề, học viên được tư vấn về nhu cầu, nguyện vọng tạo việc làm sau đào tạo. Bên cạnh đó, thị xã phối hợp với cơ sở đào tạo để kết nối tìm việc cho học viên sau khi ra trường, liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động cam kết tiếp nhận  học viên sau đào tạo với chỉ tiêu cụ thể về số lượng, trình độ đào tạo, độ tuổi, chế độ, thu nhập. Trong năm 2019, Phòng LĐTBXH thị xã đã giải quyết cho 45 người được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề theo Quyết định 344/2016/QĐ-UBND ngày 02/02/2016 của UBND tỉnh; Tổ chức hội nghị truyền thông, tư vấn học nghề cho 460 lượt người tham gia tại 06 xã, phường...
Hiện trên địa bàn thị xã có 13 cơ sở dạy nghề cho LĐNT, gồm: Trường CĐ Nông nghiệp Đông Bắc, Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX và Đầu tư; Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ninh; Trường CĐ Xây dựng… Các cơ sở này được đầu tư tương đối đầy đủ về thiết bị, môi trường, phục vụ công tác đào tạo nghề cho LĐNT từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng nấm, đến lái xe ô tô, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn... Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT, trong 10 năm qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đã tổ chức được 106 lớp dạy nghề cho gần 3.600 học viên. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 2.121 người; đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.425 người. Tổng kinh phí hỗ trợ cho đào tạo nghề LĐNT trên 57 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2019, Phòng LĐTBXH đã phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức 5 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho 158 học viên; Phối hợp với Phòng Kinh tế tổ chức 02 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 70 học viên; Trung tâm dạy nghề và giáo dục thị xã tổ chức dạy 01 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho 35 học viên.
Theo đánh giá của Phòng LĐTBXH thị xã, sau khi được đào tạo, người lao động đã biết cách tiếp cận, vận dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, qua đó tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. Một số lao động có tay nghề đã được nhận vào làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Theo thống kê sơ bộ, hiện số người sau đào tạo phát huy được hiệu quả làm việc đạt khoảng 80%. Nhiều lao động nông thôn thuộc hộ nghèo đã có việc làm và thoát nghèo thành công; có hộ đã có thu nhập khá.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền, nhiều doanh nghiệp đã tạo điều kiện về việc làm cho nhiều lao động. Điển hình như: Công ty TNHH Quang Vinh, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt, Công ty CP Gốm sứ Thành Đồng, Công ty Vận tải Thành Tâm... Ông Vũ Thanh Tuyền, Giám đốc Công ty CP Thanh Tuyền Group (phường Đức Chính, TX Đông Triều), cho biết: “Những năm qua, Công ty luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giải quyết việc làm cho người lao động. Việc sử dụng nguồn lao động tại chỗ cũng là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tránh việc thiếu hụt lao động. Hiện công ty đã tạo việc làm cho gần 400 lao động trên địa bàn, qua đó giúp người dân trong vùng có điều kiện làm việc, thu nhập ổn định".
Mô hình cây na đang mang lại cho người nông dân Đông Triều thu nhập 100-250 triệu đồng/ha
Thời gian qua, thị xã cũng chú trọng đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho người nghèo. Nhờ đó, người nghèo có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo, với nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, như các cánh đồng mẫu chuyên canh lúa chất lượng cao, cánh đồng cây ăn quả, hoa màu cho giá trị thu nhập trung bình khoảng 120 triệu đồng/ha/năm…
Năm 2020, thị xã Đông Triều phấn đấu giải quyết việc làm mới cho trên 2.500 lao động; Tuyển sinh dạy nghề cho 500 lao động trong đó có 172 lao động nông thôn; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83%. Để đạt được mục tiêu trên, thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành cũng như người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế, thoát nghèo ở địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo hợp lý; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp để tìm đầu ra việc làm ổn định cho lao động sau đào tạo. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động thông tin thị trường lao động, cập nhật cung – cầu lao động; Chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tổ chức tuyển chọn dạy nghề tạo nguồn cho xuất khẩu lao động theo yêu cầu thị trường.../.
Cảnh Minh