Xã hội
Thị xã Đông Triều: Chăm lo cho người khuyết tật
05:18 PM 16/08/2017
Là địa phương mới thành lập của tỉnh Quảng Ninh, Thị xã Đông Triều có 14/21 xã, phường là miền núi, dân cư đông, giao thông đi lại khó khăn, có nhiều đối tượng là người khuyết tật rất cần đến trợ giúp của xã hội.
Với sự cố gắng của các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, những năm qua, các đối tượng là người khuyết tật trên địa bàn luôn được thụ hưởng kịp thời các chính sách, chế độ, đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp theo quy định.
Theo báo cáo của Phòng LĐTB&XH thị xã Đông Triều, tính đến ngày 30/7/2017, tổng số người đã được xác định mức độ khuyết tật trên địa bàn thị xã là 2.321 người. Trong đó, khuyết tật vận động có 955 người, khuyết tật nghe nói có 65 người, khuyết tật nhìn có 143 người, khuyết tật thần kinh là 812 người, khuyết tật trí tuệ là 245 người và khuyết tật khác 101 người. Đã có 2.127 người khuyết tật đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, khuyết tật đặc biệt nặng là 557 người (dưới 16 tuổi có 88 người, từ 16 - 60 tuổi có 331 người và từ 60 tuổi trở lên có 138 người), khuyết tật nặng có 1.570 người (dưới 16 tuổi có 129 người, từ 16 -60 tuổi có 1.052 người và từ 60 tuổi trở lên có 389 người). Tổng số tiền chi trợ cấp một tháng cho đối tượng người khuyết tật là 1.344.000 đồng.
Thực hiện Luật người khuyết tật, Đề án trợ giúp người khuyết tật cùng các chính sách, pháp luật liên quan, UBND thị xã Đông Triều đã thường xuyên, kịp thời kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách cho người khuyết tật, gia đình có người khuyết tật nhằm động viên khích lệ các đối tượng vươn lên hoà nhập cộng đồng. Nhân các ngày người khuyết tật Việt Nam, ngày Quốc tế người khuyết tật, UBND huyện luôn dành những phần quà ý nghĩa tặng cho các hộ gia đình người khuyết tật. Trong năm 2017, UBND huyện đã tặng 104 suất quà cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn (kinh phí 31,2 triệu đồng), thăm tặng quà trực tiếp tại các doanh nghiệp có người khuyết tật đang làm việc và học tập như Công ty Cổ phần Thành Đồng, Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật thị xã Đông Triều. UBND thị xã phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh và Công ty Hoá mỹ phẩm Hoà Hợp (Hà Nội) đã tổ chức trao tặng 112 suất quà cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi, con của nạn nhân chất độc hoá học. Ngoài ra, các hoạt động ý nghĩa khác như phát học bổng, tặng nhà tình thương, động viên người khuyết tật có ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, lao động và học tập.
Trong công tác tuyên truyền, Phòng LĐTB&XH, Trung tâm Truyền thông và văn hoá phối hợp thực hiện tốt với UBND các xã, phường trực tiếp thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về lĩnh vực người khuyết tật bằng nhiều hình thức sinh động và thiết thực, tiếp tục phổ biến Luật người khuyết tật và các chính sách liên quan đến người khuyết tật. Hỗ trợ việc thành lập và hoạt động của các tổ chức tự lực của người khuyết tật về dạy nghề, sản xuất kinh doanh tạo việc làm, các hoạt động văn hoá, tinh thần… để họ tự khẳng định mình, tự tin hơn và hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Trong đó, hoạt động của Câu lạc bộ người khuyết tật thị xã Đông Triều hiện đã đi vào ổn định, trở thành địa chỉ tin cậy để anh chị em người khuyết tật trên địa bàn huyện giao lưu, học tập, cùng nhau vươn lên.
Ông Nguyễn Văn Huynh, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đông Triều, cho biết: Nhận thức rõ về vai trò của phương tiện trợ giúp đối với người khuyết tật, thị xã Đông Triều đã cố gắng vận động, phối hợp với các tổ chức, đơn vị để hỗ trợ các đối tượng. Những ngày đầu tháng 8, UBND thị xã đã phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, tỉnh Hội Quảng Ninh tổ chức trao tặng 76 xe lăn cho người khuyết tật vận động thị xã Đông Triều. Đây là một việc làm ý nghĩa nhân văn, góp phần động viên, giúp đỡ người khuyết tật vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, UBND thị xã Đông Triều sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật và trẻ mồ côi nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người dân về quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật từ đó có những việc làm và hành động thiết thực chăm lo cho người khuyết tật. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, tranh thủ sự giúp đỡ cúa Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh và các nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động bảo trợ, giúp đỡ, chăm sóc những đối tượng người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tích cực hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật còn khả năng lao động đồng thời đổi mới công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân quan tâm giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
P.V