Lao động
Thị trường lao động cuối năm 2021 có dấu hiệu phục hồi
09:47 PM 12/01/2022
(LĐXH)- Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý III.
Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, chiếm 36,8%; lực lượng lao động nữ đạt 23,5 triệu người, chiếm 46,5% lực lượng lao động của cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 67,7%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm trước.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,0 triệu người, giảm 1,0 triệu người so với năm 2020. Trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn năm 2020 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ.
Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước. Số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm.
Người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ” trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp
Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, thu nhập của người lao động giảm; một bộ phận lao động từ thành phố dịch chuyển về nông thôn, từ các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm về các địa phương khác có xu hướng gia tăng, gây mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, dẫn tới một số ngành thiếu hụt lao động như dệt may, da giày; đồng thời, lực lượng này về quê gặp khó khăn khi tìm việc mới.
Trước tình hình làn sóng dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động với  hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc, như: Hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời...; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động đến năm 2030; chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động; tăng cường thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến; củng cố thị trường lao động ở những địa bàn chưa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có giải pháp khôi phục, phục hồi thị trường lao động ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; chỉ đạo thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; tổ chức các cuộc họp trực tuyến của Bộ LĐTB&XH với các địa phương kinh tế trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Trong năm, các địa phương cũng đã chủ động thực hiện linh hoạt các phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, “3 xanh”; có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ việc làm cho lao động từ vùng dịch trở về địa phương...
Trong thời giãn cách xã hội vẫn có doanh nghiệp đã thực hiện mở rộng quy mô sản xuất, có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. Những doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất thuộc các ngành ứng dụng công nghệ số nên nhu cầu tuyển dụng tập trung vào những lao động có tay nghề, lao động có trình độ về công nghệ thông tin, kỹ thuật số…
Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Trong quý IV, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý III.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó: tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%, cao hơn 0,37 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng trầm trọng của dịch COVID-19 do nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động. Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung xây dựng để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động; kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các quy định về tiếp nhận lao động tại các nước để hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch của nước sở tại.
Ước thực hiện năm 2021 cả nước đưa khoảng trên 45 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 50% kế hoạch./.
Hồng Minh