Kinh tế
Thị trường bán lẻ Việt Nam trước tác động của Cách mạng 4.0
06:41 PM 29/11/2018
(LĐXH) Cách mạng 4.0 là thời cơ để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu nằm phát huy khả năng cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Sáng ngày 29/11, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt trong sản xuất và lưu thông hàng hóa trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên hệ thống kết nối số hóa - vật lý - công nghệ sinh học, trong đó sự đột phá của Internet và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ doanh nghiệp. Là nước đang phát triển, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường…
 Đồng tình với quan điểm này, theo ông Nguyễn Văn Hội – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước – Bộ Công Thương, sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đạt 3,9 triệu tỷ đồng trong năm 2017, với tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm 2007 - 2017 là 18%.
Cũng theo ông Hội, với chính sách mở cửa thu hút nhà đầu tư nước ngoài của nhà nước, thị trường Việt Nam đã thu hút nhiều nhà bán lẻ nước ngoài, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng cạnh tranh. Các sản phẩm hàng hiệu và cao cấp đã có mặt nhiều hơn do tầng lớp trung lưu gia tăng và người tiêu dùng sẵn lòng chi trả cho các sản phẩm này.
 “Một trong những thành tựu nổi bật của cách mạng 4.0 là sự phát triển của thương mại điện tử, hứa hẹn triển vọng tích cực mở ra các cơ hội cho ngành bán lẻ của Việt Nam”, ông Hội chia sẻ.
 Theo ông Hội, thương mại điện tử là yếu tố quan trọng để hình thành mô hình bán hàng đa kênh, một mô hình kết hợp giữa bán hàng trực tuyến và trực tiếp tại cửa hàng để thu hút khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh. Mặc dù kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo nhưng xu hướng bán lẻ hiện đại, bán lẻ đa kênh và thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, chứng tỏ tiềm năng và sức mạnh của mình.
 Cũng theo ông Nguyễn Văn Hội, là nước đang phát triển, dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam, do vậy đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp bán lẻ trong nước tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu nằm phát huy khả năng cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
“Những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 mở ra muôn vàn cơ hội cho các nhà bán lẻ Việt Nam trong việc mở rộng quy mô thị trường, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài”, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước nhấn mạnh.
 Mặc dù cách mạng 4.0 mang lại không ít cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên theo các chuyên gia, ngành bán lẻ vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không hề nhỏ trong công cuộc chuyển đổi theo xu hướng 4.0 này.
Ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, nhờ thành tựu của công nghệ, người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào ở trong nước, thậm chí mua hàng ở các quốc gia khác, hàng cũng sẽ được giao đến tận nhà. Chính vì thế, lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý hay giá cả của doanh nghiệp Việt đều giảm vì khách hàng dễ dàng tìm được nhà cung cấp giá rẻ hay chất lượng tốt hơn. Trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài lớn, trang bị công nghệ hiện đại theo xu hướng 4.0 sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ mất thị phần, nhân sự và lợi thế cạnh tranh.
 Theo ông Hội, mặc dù các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã có chú trọng đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa thực sự cao. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư lớn nên các doanh nghiệp bán lẻ Việt chưa mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng bán lẻ điện tử, song song với các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Do vậy, doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều chi phí cho mặt bằng, nhân viên... Trong khi đó, nếu chỉ bán hàng online cũng rất khó khi phải đối diện với những rào cản về lòng tin người tiêu dùng, vấn đề vận chuyển và thanh toán.
Một thách thức lớn khác của cách mạng 4.0 cho ngành bán lẻ Việt Nam chính là nguồn nhân lực. Khác với bán lẻ truyền thống, đội ngũ nhân viên phục vụ chủ yếu tương tác trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên bán lẻ 4.0 trên nền tảng công nghệ hiện đại đòi hỏi đội ngũ nhân viên phải được đào tạo, am hiểu chuyên sâu, bắt kịp xu thế, làm chủ được các thiết bị, máy móc, phần mềm ứng dụng đang dần thay thế công việc cho con người.
 Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bà Nguyễn Thị Bích Hường – đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, nếu không ứng dụng công nghệ sẽ bị tụt hậu và đào thải. Cuộc chiến vừa qua giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ là một minh chứng. Vì vậy, để tồn tại, các doanh nghiệp cần ứng dụng ngay lập tức các giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. Từ đó sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tạo sự đồng nhất cho sản phẩm, nâng cao chất lượng và năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp.
Thảo Lan